Ngày càng nhiều người dân gặp tình trạng lừa đảo qua cuộc gọi Deepfake. Để giảm thiểu tình trạng này người dân cần nhận biết cuộc gọi lừa đảo này thông qua biểu cảm khuôn mặt như đơ cứng thiếu cảm xúc, không hoạt động tự nhiên và thông tin trả lời không nhất quán,...
Deepfake là gì?
Thuật ngữ “Deepfake” xuất phát từ công nghệ “Deep Learning”.
Deepfake là một dạng trí tuệ nhân tạo tự dạy cách giải quyết các vấn đề với tập dữ liệu lớn. Nó được sử dụng để hoán đổi khuôn mặt và tạo nội dung video bắt chước người thật nhưng không phải họ.
Trong thời đại tiến bộ khoa học công nghệ, sự phát triển của Deepfake đang trở thành một mối đe dọa đáng lo ngại đối với tính trung thực và sự tin cậy của video và hình ảnh. Phần lớn các hình thức này nhắm tới mục tiêu lừa đảo tài chính và chiếm đoạt tài sản của người khác.
Deepfake hoạt động thế nào?
Dựa trên những dữ liệu cá nhân về hình ảnh khuôn mặt, giọng nói của một người ngoài đời thực, Deepfake sử dụng thuật toán máy học để tái tạo lại khuôn mặt và giọng nói khớp với nét mặt, biểu cảm của đối tượng mục tiêu; sau đó tạo ra video giả mạo hoàn toàn đối tượng ngoài đời thực. Thông qua mạng internet, các đối tượng thu thập hình ảnh, giọng nói của người dùng trên mạng xã hội, sử dụng công nghệ Deepfake tạo ảnh động, video giả mạo người dùng đang nói chuyện trực tuyến với cùng khuôn mặt, âm điệu giọng nói và cách xưng hô.
Vì vậy, khi bạn nhận được cuộc gọi liên quan đến thông tin tài chính hoặc các vấn đề tương tự, quan trọng hãy cảnh giác và xác minh thêm trước khi đưa ra bất kỳ hành động nào.
Dấu hiệu nhận biết Deepfake
Để đảm bảo sự an toàn cho mình và người thân, bạn cần biết một số dấu hiệu dưới đây:
- Thời gian gọi không dài: thường cuộc gọi video Deepfake không quá 30 giây. Sau thời gian ngắn cuộc trò chuyện bị tự động ngắt kết nối.
- Khuôn mặt không có cảm xúc: đơ cứng và mắt thường đảo liên tục. Đầu và cơ thể không có sự nhất quán, thường bạn sẽ chỉ thấy phần dưới bất động nhưng đầu vẫn có thể quay liên tục.
- Màu da không tự nhiên: nhân vật trong video không thật so với da thực tế, mịn màng hơn, ánh sáng và bóng đổ không đúng vị trí.
- Âm thanh không khớp với miệng: bạn có thể thấy âm thanh không đồng bộ với hình ảnh, có tiếng ồn nhiễu hoặc thậm chí không có âm thanh, đây là một dấu hiệu mà cuộc gọi video có thể là một sự lừa đảo.
- Gián đoạn cuộc gọi giữa chừng và yêu cầu chuyển tiền.
Các biện pháp phòng tránh cuộc gọi Deepfake
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, để đối phó hiệu quả với hình thức lừa đảo như Deepfake, cần thực hiện một loạt các giải pháp như sau:
- Liên lạc trực tiếp với người thân, bạn bè sau khi nhận cuộc gọi Deepfake để xác mình lại thông tin.
- Kiểm tra lại số tài khoản người gửi có đúng là của người quen hay không. Xác thực lại với chính chủ thông qua cách liên lạc khác.
- Nếu cuộc gọi từ người tự xưng là đại diện cho ngân hàng, hãy gác máy và gọi trực tiếp cho ngân hàng để xác nhận cuộc gọi vừa rồi có đúng là ngân hàng thực hiện hay không. Tuyệt đối lưu ý, ngân hàng không bao giờ yêu cầu người dùng gửi mật khẩu, hình ảnh nhạy cảm qua cuộc gọi không xác thực.
- Các cuộc gọi thoại hay video có chất lượng kém, chập chờn là một yếu tố để bạn nghi ngờ người gọi cũng như tính xác thực của cuộc gọi.
Bộ thông tin và truyền thông đã khuyến cáo, người dân phải thật cảnh giác để tránh bị lừa . Hiện tại chưa có kỹ thuật ngăn chặn tận gốc rễ vấn đề này.
Bài viết liên quan:
- Nâng cao cảnh giác với những phương thức giả mạo, chiếm đoạt tài sản mới
- “Lỗ hổng” bảo mật từ ChatGPT, người dùng có đang mất cảnh giác?
- Cảnh báo: chiêu trò lợi dụng uy tín ví điện tử ZaloPay lừa đảo người dùng
TH (phapluatxahoi.kinhtedothi.vn)