TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP

Nâng cao cảnh giác với những phương thức giả mạo, chiếm đoạt tài sản mới

Sự diễn biến phức tạp của tình trạng giả danh các tổ chức, lực lượng chức năng hòng lừa gạt chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng yêu cầu người dân cần nâng cao cảnh giác. Cơ quan công an gần đây vẫn không ngừng cập nhật cho địa phương những chiêu trò, bẫy lừa đảo mới. 

Nóng lòng thu hồi tiền đã mất, “lừa” càng thêm “lừa”

Những cảnh báo là không đủ vì thủ đoạn của các đối tượng xấu ngày càng tinh vi, khó đoán. Khi bị chiếm đoạt tài sản, thay vì trình báo các cơ quan Công an, nhiều người lại “cả tin” vào những gã “luật sư làm từ thiện”, liên hệ qua các tài khoản Facebook mạo danh này với mong muốn được giúp đỡ “thu hồi tiền bị lừa”. Những bài đăng chạy quảng cáo trên mạng xã hội này với nội dung như “Luật sư A - chuyên thu hồi trả lại tài sản bị chiếm đoạt cho người bị hại; Giúp bạn lấy lại tiền bị lừa CHỈ TRONG 24H – Tư vấn miễn phí ...” dường như luôn xuất hiện với đúng những người sẽ cần chúng. 

Lợi dụng tâm lý nhạy cảm, dễ đoán của người đã bị lừa, các đối tượng dễ dàng khiến nạn nhân tin rằng, “luật sư” đã thực sự kết nối với bên an ninh mạng, tra ra được các đối tượng lừa đảo đã “rửa” số tiền chiếm đoạt được thông qua hình thức cá cược đặt lệnh trực tuyến. Từ đó, để thu hồi lại số tiền này, nạn nhân cũng phải tham gia vào “trò chơi”. Nhưng làm cách nào để nạn nhân tin rằng mình sẽ có hi vọng được lấy lại tiền? Vì đã gieo niềm tin bằng việc giả vờ kết nối được với đội điều tra công nghệ cao, các đối tượng tiếp tục đảm bảo sẽ giúp “lừa ngược” kẻ xấu bằng cách thay đổi tỉ lệ lệnh để nạn nhân dễ dàng thắng cược, “thắng tiền”. Tất nhiên, sau khi đã giăng bẫy được con mồi, việc còn lại chỉ là tạo ra các tình huống đen đủi như “tài khoản ngân hàng bị lỗi”, “cần nạp thêm tiền thì hệ thống mới cho rút về”.

Đơn giản hơn, các “luật sư giả” hứa hẹn sẽ kiêm luôn “hacker”, xâm nhập vào các tài khoản lừa đảo để lấy thông tin, vẫn có không ít người “chót dại” mà làm theo những yêu cầu như nộp trước một khoản tiền bằng phần nhỏ số tiền đã bị mất. Chỉ bằng nút “chặn”, những kẻ gian đã dễ dàng “ôm tiền bỏ chạy”. 

Cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều khuyến cáo về đối tượng mà kẻ gian nhắm tới. Không ai khác chính là những nạn nhân của vô số vụ lừa đảo mạng trước đó. Vì nắm được tâm lý “ngại ra trình báo”, “muốn nhanh chóng lấy lại tiền”, các đối tượng liền thực hiện nhiều thủ đoạn từ đơn giản nhất đến tinh vi nhất để đạt được mục đích. 

Lợi dụng đợt cao điểm kích hoạt định danh điện tử, “công an giả” đích thân “hướng dẫn”

Đối với những chiêu trò đã xuất hiện một thời gian, người dân cũng sẽ phần nào cảnh giác hơn nếu đã nghe qua nhiều khuyến cáo. Tuy nhiên, gần đây nhất là phương thức lừa đảo liên quan đến việc kích hoạt định danh điện tử tại nhiều địa phương. Trong khi công tác thực hiện vẫn còn được triển khai hết sức tích cực, nhiều đối tượng xấu đã “thừa nước đục thả câu”. 

Một vụ việc lừa đảo xảy ra vào ngày 16/6 tại xã Xuân Nộn đã được trình báo lên công an. Cụ thể, bà N.T.L (SN 1953, người dân tại địa phương) nhận được điện thoại của một người tự xưng là Công an xã, mời bà ra trụ sở để hoàn tất định danh điện tử. Thông qua sàng lọc dữ liệu còn biết bà đang có một khoản nợ 66 triệu đồng tại ngân hàng X ở quận Tây Hồ. Sau một hồi vòng vo, dù đã chắc chắn mình chưa bao giờ vay nợ ngân hàng, bà vẫn phải làm tường trình, liên hệ với một đối tượng giả danh “cán bộ Công an thành phố Hà Nội” khác để xác minh vụ việc. Bà được yêu cầu phải chuyển khoản 66 triệu đồng để chứng minh không nợ tiền. Sau khi làm rõ, bà L. sẽ được nhận lại đủ số tiền đã chuyển.

Dù kẻ gian rất kĩ lưỡng trong việc điều hướng, thao túng, nhiệt tình hỗ trợ để đảm bảo bà L. vô can song bà L. rất may đã tinh ý nhìn ra sự “khôn lỏi” của chúng. Một phần cũng nhờ sự tuyên truyền tận nơi của Công an địa phương bà sinh sống.

Việc cơ quan công an Thành phố Hà Nội yêu cầu người dân giải quyết những thủ tục pháp lý qua điện thoại hoàn toàn là thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng gian manh. Trong khi việc xác thực tài khoản định danh vẫn chưa hoàn tất, người dân cân nâng cao cảnh giác hơn nữa đối với những yêu cầu chuyển tiền giải quyết vụ án hoặc đơn kiện một cách không minh bạch.

TH (phapluatxahoi.kinhtedothi.vn)

Hình ảnh Thu Thuỷ

Thu Thuỷ

Biên tập viên

Xem gì ?

Bạn quan tâm