TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP

“Lỗ hổng” bảo mật từ ChatGPT, người dùng có đang mất cảnh giác?

Những vụ bê bối liên quan đến việc các nền tảng mạng xã hội lớn làm lộ thông tin người dùng đã không còn xa lạ. Ứng dụng càng có nhiều người dùng, hệ quả đem lại càng khôn lường. Nếu như TikTok là cái tên được cảnh báo nhiều nhất trước đó thì thời gian gần đây ChatGPT được nhắc đến tiếp theo. 

Xem thêm:

 Chiều 6/4, tại UBND thành phố Thủ Đức đã diễn ra Hội thảo khoa học “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và các giải pháp công nghệ thông minh hóa, tự động hóa phục vụ xây dựng thành phố thông minh”. Chia sẻ từ TS Võ Văn Khang, Phó chủ tịch chi hội An toàn thông tin phía Nam (VNISA): "Việc sử dụng ChatGPT - một ứng dụng của nhà cung cấp nước ngoài với nhiều dữ liệu không được kiểm chứng tiềm ẩn nguy cơ rất lớn về mất an toàn thông tin". 

Khi một ứng dụng nổi lên quá nhanh, người dùng dễ bị thu hút bởi sự tiện lợi và thoải mái mà nó mang lại, quên đi những rủi ro về dữ liệu cá nhân ẩn đằng sau. 

Cuối tháng 12/2022, TikTok khiến thế giới được một phen chao đảo khi ByteDance (công ty sở hữu TikTok) lên tiếng thừa nhận việc một số nhân viên công ty đã xâm phạm trái phép dữ liệu của người dùng. Mặc cho tuyên bố của Giám đốc điều hành TikTok: “Hành động sai trái đó không phản ánh những nguyên tắc của công ty. Chúng tôi sẽ tiếp tục cải thiện quy trình truy cập dữ liệu”, các chuyên gia vẫn nhận định việc này là không thỏa đáng, “không đủ để xoa dịu các cơ quan quản lý” lẫn không làm giảm đi những lo ngại của người dùng. Đây cũng là thời điểm ChatGPT đã ra mắt và chỉ hơn một tháng nó đã trở thành “cơn sốt” tiếp theo.

 Về cơ bản, ChatGPT hoạt động giống như một ChatBot. Tuy nhiên, ứng dụng này được đánh giá cao và vượt trội hơn. Không dừng lại ở các cuộc trò chuyện dưới dạng hỏi đáp thông thường, Chat GPT có thể xử lý một lượng lớn văn bản, sắp xếp ngôn ngữ tự nhiên, tạo ra văn bản mới mạch lạc và trôi chảy hơn con người nhờ sở hữu một hệ thống dữ liệu khổng lồ (bao gồm 8 triệu tài liệu và hơn 10 tỷ từ). Tuy nhiên, câu trả lời không phải lúc nào cũng đúng và thông tin có thể bị sai lệch. Song cũng giống như những ứng dụng khác, Chat GPT dù hoạt động miễn phí, người dùng vẫn cần có tài khoản trên nền tảng OpenAI. Ở Việt Nam chưa được hỗ trợ mở tài khoản, người dùng trong nước sẽ phải sử dụng mạng riêng ảo (VPN), thuê số điện thoại nước ngoài, dùng thẻ thanh toán quốc tế hoặc mua tài khoản từ người khác nếu muốn trải nghiệm. Từ đó gia tăng nguy cơ bị đánh cắp thông tin nhạy cảm, ẩn chứa nhiều nguy hiểm về bảo mật thông tin người dùng. Chúng ta dễ dàng bỏ qua sự cảnh giác của mình để sớm được “bắt trend” hoặc tìm đến giải pháp thông minh cho bản thân một cách nhanh, gọn, lẹ nhất.

Đáng lo ngại hơn, hiện nay các đối tượng xấu có thủ đoạn vô cùng tinh vi, tạo ra nhiều ứng dụng nhái ChatGPT thu tiền người dùng để cài đặt đồng thời thu thập dữ liệu cá nhân phục vụ cho mục đích riêng dù sau đó người trả tiền có thể sẽ không được trải nghiệm ứng dụng. 

Thời đại công nghệ phát triển đòi hỏi các công dân số phải tự trang bị kiến thức, biết sàng lọc thông tin sai lệch và nâng cao kiểm chứng cá nhân khi sử dụng bất kì một ứng dụng, phần mềm hay trang web thông minh nào. 

TH (phapluatxahoi.kinhtedothi.vn)

Hình ảnh Thu Thuỷ

Thu Thuỷ

Biên tập viên

Xem gì ?

Bạn quan tâm