Hiện nay, hình thức lừa đảo qua cuộc gọi video Deepfake ngày càng trở nên phổ biến tại Việt Nam. Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây đã chính thức lên tiếng về vấn đề ‘nhức nhối’ này.
Xem thêm:
- Microsoft thách thức Google với công nghệ AI trên Bing và Edge
- Người dùng ‘tá hỏa’ vì tập tin trong trò chuyện Messenger đột nhiên bị ‘xóa sạch’
Vào sáng nay (5/5), Bộ Thông tin và Truyền thông đã có buổi họp thường kỳ với nội dung chính liên quan tới vấn nạn lừa đảo qua video. Theo đại diện của Bộ, hình thức lừa đảo qua video trực tuyến chỉ mới xuất hiện thời gian gần đây kể từ sau sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo. Thông qua AI, đối tượng lừa đảo đã tạo ra những hình ảnh chân dung, video sao chép, giả mạo bạn bè và người thân một cách vô cùng tinh vi.
Trước tình hình này, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định Deepfake chính là một ‘liều thuốc độc’ phá hủy độ tin cậy, chân thực và chính xác của hình ảnh và video. Không đơn thuần chỉ là hình thức lừa đảo tống tiền, moi tiền từ người dân mà Deepfake còn có thể trở thành công cụ nhắm vào chính trị, nhà nước bằng cách tạo ra những tin tức sai sự thật. Ngoài ra, nó cũng dễ dàng phá hủy danh dự và danh tiếng của bất kỳ ai chỉ với một vài tin tức giả mạo.
Làm cách nào để nhận biết cuộc gọi Deepfake?
Nếu vào một ngày đẹp trời, bỗng bạn nhận được cuộc gọi video từ người lạ, hãy cảnh giác cao vì đó có thể là Deepfake. Bằng mắt thường, chúng ta cũng có thể phân biệt được cuộc gọi này thông qua những dấu hiệu nhận biết được đưa ra bởi Bộ TT&TT:
-
Thời lượng cuộc gọi thường chỉ diễn ra trong vòng vài giây, rất ngắn ngủi.
-
Biểu cảm trên khuôn mặt của người gọi ‘thẫn thờ’, không có thần sắc. Tư thế gọi điện cứng đơ, không tự nhiên, có phần lúng túng đồng thời hướng đầu và cơ thể trong video không đồng nhất.
-
Màu da của người gọi bất thường, ánh sáng kỳ lạ và bóng đổ không đúng vị trí.
-
Âm thanh trong video không đồng bộ với hình ảnh, có nhiều tiếng ồn lẫn vào và đôi khi không có âm thanh.
-
Tài khoản chuyển tiền được sử dụng không phải của người đang thực hiện cuộc gọi.
-
Những kẻ gian thường ngắt cuộc gọi giữa chừng, bằng cách nói rằng họ đang mất sóng hoặc sóng yếu.
Những dấu hiệu nhận biết trên chỉ là giải pháp trước mắt để người dân phòng tránh. Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ sớm đưa ra những giải pháp công nghệ để phát hiện chính xác Deepfake cũng như triệt tiêu các tài khoản ngân hàng giả mạo,...
Việc mà người dân cần làm lúc này là luôn nâng cao ý thức cảnh giác, tránh nghe những cuộc gọi lạ và tuyệt đối không làm theo các thao tác chuyển tiền, tiết lộ dữ liệu cá nhân,...
Hy vọng bài viết từ Trangcongnghe.com.vn đã mang lại những thông tin hữu ích dành cho các bạn!
TH (phapluatxahoi.kinhtedothi.vn)