TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP

Công nghiệp ôtô Đông Đức và một thương hiệu còn tồn tại đến nay

Đông Đức một thời được biết đến với xe Trabant chậm chạp, ngộ nghĩnh, xe IFA bền bỉ. Bên cạnh đó còn có một thương hiệu của thời xã hội chủ nghĩa vẫn còn tồn tại.

VEB Sachsenring Automobilwerke (Trabant)

Sau khi phát xít Đức đầu hàng, thành phố Zwickau - "trái tim" của ngành công nghiệp ôtô Đức, nơi có các nhà máy của Audi-Horch và trụ sở tập đoàn Auto Union nằm trong vùng do Liên Xô cai quản. Cả hai nhà máy này đều được chuyển giao cho chính quyền mới và chuyển đổi thành doanh nghiệp quốc doanh. Bằng cách này, hình thức quản lý "xã hội chủ nghĩa" VEB (từ viết tắt của Volkseigener Betrieb hay doanh nghiệp quốc doanh) là đặc trưng của đại đa số các xí nghiệp công nghiệp và tổ hợp chế tạo của Đông Đức. Không xa Zwickau còn có đường đua xe nổi tiếng Sachsenring, nhà máy ở đó cũng có tên là Sachsenring Automobilwerke.

Chiếc xe đầu tiên của xí nghiệp mới là mẫu xe nhỏ gọn trước chiến tranh DKW F8, sau này được biết đến như IFA F8. Chiếc xe giá rẻ và lỗi thời này không đơn giản là được sản xuất và gắn mác “nhân dân” IFA (Industrieverband FAHRZEUGBAU - liên hiệp chế tạo ôtô. Sau chiến tranh nước Đức ở trọng tình trạng khó khăn kinh tế trầm trọng, vì vậy cả người dân ở Đông và Tây Đức chỉ đủ khả năng chỉ trả cho những chiếc ôtô có giá phải chăng (và nguyên thủy) nhất. Mẫu xe tiếp theo chỉ thay đổi nhỏ và được gắn mã hiệu IFA F9.

Mẫu xe tiếp sau đó của nhà máy là AWZ P 70 Zwickau. Do thiếu thép tấm nên nhà máy đã sử dụng loại vật liệu thú vị là duroplastic. Thành phần chính của vật liệu này là nhựa phenol-formaldehyde và phụ gia (phế phẩm từ quá trình sản xuất bông). Loại vật liệu lạ lẫm này đảm bảo khả năng dập trên máy trong quá trình sản xuất, tương tự các chi tiết kim loại thông thường trên thân xe. Nhờ vậy, thân xe làm bằng duroplastic có thể gia công theo phương pháp tiên tiến, không giống như công nghệ thủ công được ứng dụng với sợi thủy tinh.

Tuy nhiên, thân xe tiên tiến này lại được kết hợp với một khung gầm lỗi thời thậm chí theo tiêu chuẩn những năm 1950, điều buộc các nhà thiết kế phải phát triển một "nền tảng" mới. Hệ thống động lực mới, rất đặc biệt theo tiêu chuẩn thời đó, là động cơ 2 xi-lanh 2 thì làm mát bằng không khí. Trái tim nhỏ 500cc này tạo ra công suất 18 mã lực - điều thật nực cười theo tiêu chuẩn ngày nay, song đủ dùng cho những chuyến đi chậm rãi trong không gian nghèo của châu Âu sau chiến tranh. Hơn nữa bản thân P50 cũng là chiếc xe tiến bộ, nhờ cơ cấu dẫn động bánh trước. Chính mẫu xe này là chiếc Trabant nổi tiếng (dịch từ tiếng Đức là “vệ tinh") vì nó ra đời đúng thời gian Liên Xô phóng vệ tinh nhân tạo bay quanh trái đất.
Bản P50/600 sau đó được thay thế bằng bản Trabant tiếp theo (và cuối cùng) - mẫu P601 huyền thoại. Nhờ sự đơn giản, dễ sửa chữa, độ tin cậy và giá thành vô cùng rẻ, chiếc xe nhỏ bé và ngộ nghĩnh này đã nhận được sự quan tâm lớn từ các nước thuộc khối SEV (Cộng đồng tương trợ kinh tế gồm Bulgaria, Ba Lan, Romania, Tiệp Khắc, Hungary, Nam Tư), cũng như ở nhiều nước tư bản! Ngay tại CHDC Đức, người xếp hàng mua Trabant phải đợi tới 15 năm. Trong khi trung bình một chiếc Trabant P601 có tuổi thọ gần 30 năm.

Năm 1988, khi các chế độ ở Liên Xô và Đông Đức sắp đổ vỡ, người ta đưa vào sản xuất bản Trabant 1,1 sử dụng động cơ đốt trong 4 thì 40 mã lực của VW Polo. Tuy nhiên ngay từ trước khi nước Đức thống nhất, năm 1989, tập đoàn Volkswagen đã mua lại nhà máy ở Zwickau, vì vậy năm 1991, Trabant đã bị loại khỏi dây chuyền sản xuất. Tuy vậy, vào năm 1995, nhà máy ở Sashsenring thậm chí đã ký Nghị định thư về ý định sản xuất Trabant với Uzbekistan. Kế hoạch này đã không trở thành hiện thực - nhà máy ở Zwickau chuyển sang lắp ráp và sản xuất các mẫu xe cho tập đoàn VW AG. Và Uzbekistan hướng tới một mẫu xe bán chạy khác của Đức - Opel Kadett, được biết tới nhiều hơn với tên gọi Daewoo Nexia.

Hiện nay, nhà máy tại Sashsenring chế tạo thân xe cho VW, tuy nhiên con số 11.000 lao động của nhà máy nay chỉ còn lại 1.500 người. Nhà máy cũng chế tạo các linh kiện và hệ thống cho các tập đoàn xe hơi khác -như Daimler-Benz và GM. Bản thân những chiếc Volkswagen được lắp ráp tại một nhà máy khác gần đó, ở Zwickau-Mosel.

VEB Automobilwerk Eisenach (Wartburg)

Nhà máy chế tạo ôtô ở thành phố Eisenach có thể xem như một trong những nhà máy lâu đời nhất của Đức: công ty Fahrzeugefabrik Eisenach AG được thành lập cuối năm 1896. Trong một thời gian dài nhà máy này xuất xưởng các ôtô gắn mác Dixi, BMW và Wartburg. Người sáng lập nhà máy là một tên tuổi lớn trong nghành công nghiệp ôtô, “ông vua không ngôi xứ Thuringia" - Heinrich Erhard. Năm 1898, ông đã mua giấy phép chế tạo ôtô của công ty Pháp Société des Voitures Automobiles Decauville.

Cho đến năm 1899, nhà máy ở Eisenach sản xuất xe đạp, nồi hơi và các chi tiết pháo. Tuy nhiên, cuối thế kỷ XIX mở ra trang sử ôtô cho thành phố - nhà máy bắt đầu sản xuất theo giấy phép dòng xe có tên gọi Wartburg. Đây là tên ngọn núi và lâu đài ở ngoại ô Eisenach.

Năm 1904, thương hiệu ôtô Wartburg được đổi tên thành thương hiệu Dixi. Khi thương hiệu này bị tập đoàn BMW thôn tính, chính tại Eisenach đã bắt đầu xuất xưởng những chiếc ôtô gắn logo xanh-trắng nổi tiếng của BMW.

Do vùng Thuringia sau Chiến tranh Thế giới thứ II do Liên Xô cai quản, các nhà máy ở đây tiếp tục xuất xưởng mẫu xe BMW 326 và 321, cũng như xe máy R-35. Tuy nhiên, năm 1951, theo quyết định của Tòa án Düsseldorf, màu logo gắn trên xe sản xuất tại các nhà máy này đã được thay bằng màu trắng và đỏ. Nhà máy đổi tên thành VEB Automobilwerk Eisenach và những chiếc xe được gắn thương hiệu mới EMW - từ viết tắt của Eisenacher Motoren Werk (Nhà máy động cơ Eisenach).

Sau khi hợp nhất các xí nghiệp với nhà máy của DKW (Dampf Kraft Wagen) trước đây ở Chemnitz, mác xe một lần nữa lại đổi tên thành Automobilwerk Eisenach (AWE). Tuy nhiên, năm 1955, tên gọi địa lý lịch sử Wartburg một lần nữa lại được đặt cho ôtô, và bóng dáng tòa lâu đài thậm chí còn xuất hiện trên logo của xe.

Mẫu xe nổi tiếng nhất và được sản xuất trong một thời gian dài ở Eisenach là Wartburg 353 – dòng sedan 4 cửa dẫn động bánh trước lắp động cơ hai thì. Ngoài ra còn có bản wagon 5 cửa.

Mẫu xe này liên tục được cách tân song chỉ là những thay đổi nhỏ, và năm 1988 động cơ 2 thì lỗi thời được thay bằng động cơ xăng bốn thì dung tích 1,3 lít của Volkswagen. Cùng với nâng cấp kỹ thuật, Wartburg cũng được cách tân chút ít, tuy nhiên sau khi thống nhất Đông và Tây Đức, Wartburg đã không còn được sản xuất, bản thân nhà máy năm 1991 bị tuyên bố phá sản và đóng cửa.

Bảo tàng ôtô Eisenach

Tuy vậy, tại tòa nhà “phòng ăn phía Đông" hiện là bảo tàng chế tạo ôtô của thành phố (Automobilbau Museum Eisenach), nơi trưng bày những chiếc xe từ Dixi cho tới chiếc Wartburg cuối cùng. Và chính lịch sử ôtô của thành phố vẫn chưa dừng lại: chỉ 2 ngày sau khi nước Đức thống nhất tại Eisenach đã xuất xưởng chiếc Opel Vectra đầu tiên. Ngày nay Opel Eisenach GmbH là một trong những xí nghiệp chế tạo ôtô tiên tiến nhất châu Âu, nhà máy hoạt động 3 ca với 2.000 nhân viên, lắp ráp nhiều mẫu Opel khác nhau.

VEB Barkas-Werke (Barkas)

Năm 1961 trên cơ sở nhà máy của công ty Framo ở Karl-Marx-Stadt (cho đến năm 1953 và từ năm 1990 là Chemnitz), Đông Đức đã chế tạo minibus và xe van hiệu Barkas.

Theo tiêu chuẩn những năm 50 của thế kỷ XX thiết kế minibus là khá tiến bộ: thân wagon chịu lực làm bằng thép, hệ thống treo chống xoắn, dẫn động bánh trước. Tuy nhiên, xe lại sử dụng động cơ hai thì 3 xy-lanh như động cơ của Wartburg. Công suất động cơ ban đầu chỉ đáp ứng trọng tải 1 tấn - tức là chỉ 28 mã lực, tuy nhiên sau 2 lần nâng cấp đầu những năm1970, công suất động cơ đã tăng lên 45 mã lực.

Giống như những mẫu xe hơi khác của CHDC Đức, cuối thập niên 1980, Barkas được lắp động cơ mới (bốn thì và diesel) của Volkswagen, tuy nhiên sau khi nước Đức thống nhất, dòng minibus lỗi thời này cũng không còn được sản xuất. Tháng 4/1991 số phận Barkas cũng đi đến hồi kết, bản thân nhà máy cũng phá sản.

Số phận các thiết bị tại nhà máy này khá thú vị: năm 1993 thiết bị của nhà máy được tháo dỡ và chuẩn bị để đưa đến Nga, do ở ngoại ô St. Petersburg người ta dự kiến xây dựng một nhà máy sản xuất minibus. Tuy nhiên, phía Nga không có đủ ngoại tệ để mua. Vì lý do này, thay vì đưa đến tỉnh Leningrad, các máy móc được đưa tới bãi phế liệu. Ngày nay tại địa điểm của nhà máy Barkas-Werke ở Chemnitz là một nhà máy của Volkswagen sản xuất và lắp ráp động cơ cho ôtô của tập đoàn.

VEB Robur-Werke Zittau (Robur)

Năm 1946, trong quá trình nhà nước quốc hữu hóa, doanh nghiệp Phänomen ở thành phố Zittau được đổi tên thành VEB Kraftfahrzeugwerk Phänomen Zittau, và sau đó năm 1957 mang tên VEB Robur-Werke Zittau. Nhà máy này xuất xưởng dòng xe tải Robur trọng tải 2,5 tấn khá nổi tiếng tại các nước thuộc phe xã hội chủ nghĩa. Xe gồm cả phiên bản động cơ xăng và động cơ diesel.

Vào giữa những năm 1970, thậm chí chiếc Robur cách tân với tải trọng tăng lên 3 tấn cũng đã lỗi thời, song vì nhiều lý do doanh nghiệp này vẫn có thể thực hiện việc nâng cấp mẫu mã của họ. Điều thú vị là có rất nhiều phiên bản ôtô đặc biệt trên nền tảng chiếc Robur - xe cứu hỏa, xe cấp cứu, xe quân sự, xe tải thùng... Trong nửa đầu thập niên 1980, sản phẩm của nhà máy thậm chí còn được xuất khẩu hàng loạt sang Liên Xô.

Sự kiện thống nhất nước Đức đã đặt dấu chấm hết cho triển vọng của nhà máy sản xuất xe tải già cỗi này. Bất chấp nỗ lực xuất xưởng mẫu xe LD3004 cạnh tranh và hiện đại hơn, năm 1995 nhà máy bị Daimler-Benz thôn tính, sau đó dây chuyền sản xuất Robur dừng hoạt động và nhà máy chuyển sang sản xuất phụ tùng ôtô.

VEB «Industrie Werke Ludwigsfelde» (IFA W50)

Mặc dù những chiếc xe tải IFA rất nổi tiếng kể cả ở Việt Nam, từ viết tắt này không phải là tên gọi của nhà máy ở Ludwigsfelde. IFA là tên viết tắt của Industrieverband FAHRZEUGBAU - liên hiệp chế tạo ôtô của CHDC Đức. Năm 1946, Đông Đức thành lập công ty “quản lý công nghiệp số 19», trong thành phần gồm 18 nhà máy chế tạo ôtô vùng Tây Saxon.

Số hiệu của xe tải (W50L) giải mã khá phức tạp: chữ cái đầu tiên (W) cho biết địa điểm thiết kế chiếc xe - thành phố Werdau, chữ số 50 là tải trọng, tức là 5 tấn, và chữ L là Ludwigsfeld, nơi có nhà máy chế tạo IFA. Tổng cộng có hơn 50 biến thể khác nhau của dòng xe tải này, với chiều dài cơ sở khác nhau tùy theo trọng tải từ 5-16 tấn.

Không giống như Robur, W50L có tên gọi trìu mến là "Ellie" và được xuất khẩu với số lượng lớn không chỉ tới tất cả các nước xã hội chủ nghĩa, mà cả một số nước ở châu Á, châu Phi và Nam Mỹ. Đương nhiên, rất nhiều xe trong số này giai đoạn 1971-1988 xuất sang Liên Xô.

Giống như hầu hết những chiếc xe khác, sau khi nước Đức thống nhất, Ellie trở nên không thích hợp. Thêm vào đó nhà máy chế tạo nó năm 1990 được trả lại cho chủ cũ - tập đoàn Daimler-Benz. Bất chấp những nỗ lực khiêm tốn để hiện đại hóa và làm sống lại sự nổi tiếng trước đây của dòng xe tải này, giữa những năm 1990, nhà máy đã hoàn toàn chuyển sang chế tạo ôtô cho tập đoàn Daimler-Benz.

Multicar

Dòng xe tải nhỏ này được hầu hết những người sinh ra và lớn lên ở Liên Xô biết tới. Tại vùng lãnh thổ chiếm 1/6 diện tích đất liền này có sự hiện diện của hàng nghìn chiếc Multicar-24 và Multicar-25.

Ban đầu vào năm 1920 tại Valterskhauzene người ta thành lập xưởng cơ khí Arthur Ade, chuyên sản xuất máy nông nghiệp và máy chuyên dụng. Kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II, thành phố này nằm trong khu vực do Liên Xô quản lý, và nhà máy được quốc hữu hóa thành xí nghiệp quốc doanh (VEB). Nhà máy bắt đầu sản xuất xe tải nhẹ đầu những năm 1950, và năm 1958, chiếc xe được đặt tên là Multicar. Sau đó, mẫu xe này liên tục được nâng cấp.

Điều thú vị là Multicar có lẽ là chiếc xe duy nhất của Đông Đức còn tồn tại, không chỉ không bị ngừng sản xuất, mà còn tiếp tục “sống tốt” trong điều kiện kinh tế thị trường. Vào cuối những năm 1990, cổ đông chính của nhà máy là thành công ty Hako-Gruppe, sau khi nhận được lượng cổ phần kiểm soát Multicar Spezialfahrzeuge GmbH. Ngày nay những chiếc xe tải nhỏ của Multicar bán khá chạy tại Đức và thậm chí còn hiện diện trong quân đội Đức.

TH (phapluatxahoi.kinhtedothi.vn)

Hình ảnh Toàn Thân

Toàn Thân

Biên tập viên

Xem gì ?

Bạn quan tâm