Toyota mới đây thông báo công ty cung cấp phụ tùng của tập đoàn này là Toyota Industries Corp đã làm giả các dữ liệu trong quá trình thử nghiệm.
Theo đó, tập đoàn Toyota đã ngừng giao 10 mẫu xe do những bất thường trong chứng nhận liên quan đến động cơ diesel. Vấn đề này ảnh hưởng đến các dòng xe thuộc các thương hiệu Toyota, Lexus, Mazda và Hino, trong đó có xe SUV cao cấp Land Cruiser 300 và xe bán tải Hilux rất được ưa chuộng.
Công ty thừa nhận rằng dữ liệu công suất đầu ra đã bị thao túng đối với 10 mẫu xe được bán trên toàn cầu, đánh dấu bước thụt lùi mới nhất của tập đoàn ô tô lớn nhất thế giới, sau những vụ bê bối trước đó tại nhà sản xuất ô tô Daihatsu thuộc sở hữu của Toyota và công ty liên kết xe tải Hino Motors.
Theo Kyodo News, Chủ tịch Toyota Koji Sato cho biết trong cuộc họp báo ở Tokyo: “Chúng tôi chân thành xin lỗi vì đã gây ra rắc rối to lớn cho khách hàng của mình”. Sato nói thêm rằng công ty cam kết giải quyết vấn đề này nhanh nhất có thể.
Toyota cũng cho hay các động cơ và xe bị ảnh hưởng hiện đã đáp ứng các tiêu chuẩn về công suất đầu ra trong cuộc kiểm tra, đánh giá do hãng tiến hành sau khi vụ gian lận dữ liệu bị phát giác.
ECU được sử dụng trong quá trình thử nghiệm để cấp chứng nhận khác với bộ được sử dụng trong sản xuất hàng loạt. Điều này có thể làm cho các giá trị kết quả ít biến thiên hơn. Dù không ảnh hưởng đến vận hành, song điều này là sai quy trình giám sát.
Bê bối mới được phát hiện sau khi Toyota ủy nhiệm một đơn vị điều tra độc lập để xem xét những sai phạm liên quan đến dòng xe nâng và thiết bị xây dựng, nhưng lại có thêm manh mối mới liên quan đến các loại xe như Toyota Land Cruiser Prado, Hilux, Fortuner và Land Cruiser 300, cũng như Lexus LX500d, Hino Dyna và xe van Mazda Bongo Brawny.
Nhà sản xuất ô tô Nhật Bản tuyên bố họ đã tiến hành kiểm tra lại các động cơ được sản xuất cho các mẫu xe sản xuất hàng loạt và nhận thấy chúng đáp ứng tiêu chuẩn đầu ra. Tuy nhiên, TICO (Toyota Industries Corporation) đã ngừng vận chuyển động cơ và Toyota đã tạm dừng giao các xe bị ảnh hưởng.
Toyota cho biết các thị trường sẽ bị ảnh hưởng bao gồm Nhật Bản, Châu Á, Trung Đông, Châu Phi và Châu Âu. Tổng cộng, khoảng 84.000 xe trên khắp thế giới đã được bán với hệ thống động cơ nằm trong số này và được xuất xưởng vào năm 2020.
Trước đó, vào năm 2022, Hino bị phát hiện làm giả dữ liệu khí thải cho xe tải thương mại của mình, và sau đó ít lâu Daihatsu Motors đã thừa nhận có vấn đề về độ an toàn của một số phương tiện của mình. Cả hai đều ảnh hưởng đến xe Toyota.
Trong tin tức mới nhất của mình, TMC cho biết Việt Nam không nằm trong danh sách có phương tiện bị ảnh hưởng, bởi các mẫu xe của Toyota bán tại Việt Nam là bản máy xăng (Land Prado, Land Cruiser) hoặc được sản xuất trong nước (Fortuner), còn Hilux 2GD chỉ bị ảnh hưởng tại Nhật với cơ cấu tay lái nghịch.
TH (phapluatxahoi.kinhtedothi.vn)