Mới đây đang xuất hiện một “mánh khóe” lừa đảo của những kẻ gian buôn bán iPhone cũ kém chất lượng là “làm giả” tình trạng dung lượng pin còn lại. Từ những chiếc iPhone với tình trạng pin xuống thấp, đã trải qua hàng trăm lần sạc trong nháy mắt trở thành máy “zin” chỉ với một vài thiết bị chuyên dụng.
Thông thường, người dùng sẽ kiểm tra dung lượng tối đa hiện tại của máy bằng cách truy cập Cài đặt → Pin → Tình trạng pin. Tính năng kiểm tra mức độ “chai pin” trên thiết bị này được Apple bổ sung vào năm 2018, sau khi tung ra bản cập nhật iOS 11.3.
Theo đề xuất của Apple, khi chỉ số này xuống dưới mức 80% tức là lúc người dùng nên thay pin mới cho iPhone của mình.
Nhiều người cho rằng, việc kiểm tra tình trạng pin theo cách này là tối ưu nhất, có thể phân biệt tình trạng sử dụng của máy. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng kẻ gian đang lợi dụng tâm lý này, dễ dàng khiến người dùng mắc bẫy, thu lợi bất chính từ việc thanh lý điện thoại chất lượng kém với giá cao.
Theo lời chia sẻ của một chủ cửa hàng điện thoại trên địa bàn Hà Nội, ông ĐVC cho biết: "Nếu không dùng thử hoặc tháo vỏ máy, ngay cả thợ lâu năm cũng không thể nhìn ra một chiếc iPhone đã bị kích pin và làm giả số lần sạc".
Thời điểm sôi động nhất của thị trường mua bán iPhone cũ là sau khi Apple ra mắt thế hệ điện thoại mới. Lúc này, iFan có xu hướng bán máy cũ để “lên đời”. Một bộ phận ít dư dả hơn lại chọn mua lại những máy cũ bán ra, coi đây là cơ hội sở hữu iPhone tốt hơn với giá tốt hơn.
Tuy nhiên, việc này cũng tiềm ẩn rủi ro bị lừa đảo khi một vài cửa hàng sẽ lắp những viên pin không được như lời quảng cáo “pin 99%, gần như zin” và kích lên để bán cho khách hàng. Tất nhiên, việc kích pin không giúp tăng dung lượng thực mà chỉ tạo thông số ảo trên điện thoại.
Có 2 nguyên nhân chính làm tăng cao tình trạng "lừa đảo pin". Một là cơ chế đồng bộ pin chính hãng với thiết bị của Apple. Hai là thực tế nhiều dòng iPhone đã bị Apple khai tử dẫn đến thiếu pin thay thế chính hãng.
Nếu pin thay thế là sản phẩm của thương hiệu thứ 3, iPhone sẽ hiển thị thông báo “linh kiện không xác định” đồng thời không hiển thị tình trạng pin. Trong khi nguồn cung pin chính hãng khan hụt, dẫn đến thực trạng “kích pin” gia tăng. Mánh khóe này được thực hiện khá tinh vi thông qua một quy trình có thể hiểu như sau:
Ở viên pin chính hãng có gắn một IC nhận diện ở phần cổ cáp trong khi các linh kiện từ bên thứ 3 không có loại IC nên không đồng bộ được với iPhone. Cũng vì lo ngại máy sẽ bị mất tính năng hiển thị dung lượng tối đa, nhiều người dùng không chọn cách thay pin linh kiện dù thợ sửa đang có sẵn với giá tốt và chất lượng ổn định.
Điều này dẫn tới việc một số thợ dùng thủ thuật được gọi là "sàng cổ cáp" để biến pin linh kiện thành pin chính hãng rồi tiến hành kích pin, sau đó bán lại cho người mua.
Pin được thực hiện "sàng cổ cáp" sẽ có phần IC nguyên bản của viên pin chính hãng đã cũ nên vẫn được iPhone chấp nhận. Tuy nhiên, phần dung lượng tối đa hiển thị ở mức thấp do chứa thông tin cũ. Lúc này, người thợ tiến hành kích pin bằng thiết bị chuyên dụng, khôi phục tình trạng pin về 100% đồng thời giảm cả số lần sạc xuống 0.
Ngay cả những thế hệ iPhone gần nhất cũng không tránh khỏi việc bị kích pin, chỉ là tỷ lệ có thể ít hơn. Đối với thế hệ iPhone cũ như iPhone 7 Plus, 8 Plus, X, Xs hoặc XS Max, việc kích pin bằng máy khá đơn giản. Từ những dòng cao cấp hơn, thợ cần gắn thêm hai điện cực nhỏ vào đầu pin để điều chỉnh và giúp thông số sau khi can thiệp giữ được ở mức cao lâu hơn.
Chính vì quá quan tâm đến độ "chai" pin, người dùng iPhone có thể vô tình tiếp tay cho những kẻ thu lợi bất chính này. Do đó, thay vì chỉ quan tâm đến mức độ pin, người dùng cần tìm hiểu kỹ về thông tin máy và lựa chọn đơn vị bán hàng uy tín trước khi quyết định mua cho mình chiếc iPhone cũ.
TH (phapluatxahoi.kinhtedothi.vn)