Telegram - Một ứng dụng OTT (Over-The-Top) phổ biến, đã thu hút sự quan tâm của nhiều người với khả năng nhắn tin, giao tiếp và chia sẻ thông tin miễn phí. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng không phải tất cả các nhóm trên Telegram đều an toàn và đáng tin cậy.
Trên thực tế, tồn tại một số nhóm ‘bí mật độc hại’ trên Telegram có mục tiêu gài bẫy nhằm đưa người dùng tham gia vào những hoạt động như: Phỏng vấn, làm nhiệm vụ, đầu tư và nhiều hình thức khác. Những bẫy này có thể dẫn đến việc tiết lộ thông tin cá nhân, xâm nhập vào tài khoản hoặc gây ra các hình thức tấn công khác.
Một số trường hợp bị lừa qua ứng dụng Telegram
Tham khảo các bài viết khác:
-
Tổng công ty Điện lực miền Bắc cảnh báo người dân cảnh giác với trường hợp lừa đảo qua điện thoại
-
[Cảnh báo] Sự cố nguy hiểm khi cài đặt phiên bản beta trên iPhone
‘Mạng lưới công nghệ ngày càng phát triển đã tạo ra những cơ hội mới cho việc làm và kiếm tiền từ xa. Tuy nhiên, không phải tất cả các cơ hội đó đều an toàn và đáng tin cậy.’ - Đó là những lời chia sẻ mà anh D và chị H. (cả hai đều đến từ TP.HCM), khi bị lừa trên ứng dụng Telegram.
Cụ thể, sau khi gửi hồ sơ xin việc, anh D nhận được cuộc gọi từ một công ty mời anh tham gia phỏng vấn thông qua ứng dụng Telegram. Với niềm tin vào công việc mới, anh đã đồng ý làm việc. Tuy nhiên, điều mà anh không ngờ đến là mọi thứ chỉ là một cú lừa tinh vi.
Theo anh D chia sẻ: Công ty đã đưa anh qua chuỗi các yêu cầu và nhiệm vụ, trong đó có việc chuyển tiền để đặt lệnh giao dịch tài chính. Ban đầu, họ yêu cầu anh chuyển khoản 1 triệu đồng để đặt lệnh tăng doanh thu cho công ty. Và được hứa sẽ nhận lại số tiền sau khi thực hiện thành công, vì vậy anh D đã tin tưởng và thực hiện theo yêu cầu.
Ngoài Anh D còn có ba ứng viên khác trong nhóm đã bị lôi vào một cuộc ‘ganh đua thể hiện năng lực’. Nhà tuyển dụng liên tục yêu cầu anh và các ứng viên khác đặt từ 3 đến 5 lệnh giao dịch với số tiền ngày càng tăng (từ 7 triệu, 14 triệu, 33 triệu và lên đến 145 triệu đồng). Anh D đã đặt lệnh chuyển tiền nhiều lần để đáp ứng yêu cầu, thậm chí còn nhận được hỗ trợ từ công ty nếu không đủ tiền chuyển.
Đến khi anh Dũng không còn đủ khả năng tài chính để tiếp tục yêu cầu từ nhà tuyển dụng và muốn hoàn trả lại tiền đã chuyển thì phía Công ty đáp lại : ‘Nếu anh hoàn thành yêu cầu còn lại, công ty mới hoàn trả tiền gốc và hoa hồng’. Lúc này anh nhận ra mình đã bị lừa.
Cũng giống như anh D, chị H. đã trở thành nạn nhân của một hình thức lừa đảo khác trên Telegram. Chị đã tham gia một công việc đơn giản là ‘like video và chốt đơn ảo’, nhưng cuối cùng lại bị dụ dỗ và mất gần 300 triệu đồng trong một cuộc “lùa gà” hội đồng tinh vi.
Những câu chuyện đáng buồn này đặt ra một cảnh báo quan trọng cho chúng ta về sự quan tâm và cảnh giác khi tham gia vào các hoạt động trực tuyến. Mặc dù Telegram là một ứng dụng phổ biến và hữu ích, nhưng cần luôn cảnh giác với các hoạt động có tính chất lừa đảo và không đáng tin cậy.
Thận trọng tránh rơi vào “bẫy”
Chuyên gia bảo mật Ngô Minh Hiếu chia sẻ: ‘Các hình thức lừa đảo trên ứng dụng Telegram đang ngày càng phức tạp và nguy hiểm hơn. Kẻ lừa đảo thường sử dụng một kịch bản đã được chuẩn bị sẵn. Những tài khoản giả này hoặc "chim mồi" sẽ tương tác với nhau để tạo ra một bầu không khí sôi động, hứng thú và tin tưởng cho người dùng’.
Điều đáng lưu ý là, các chiêu trò lừa đảo trên Telegram có tính ‘thao túng tâm lý’ cao hơn so với các nhóm công khai trên Facebook hay chat riêng tư 1-1. Việc nhìn thấy các tài khoản giả tương tác và đạt thành công trong việc nạp tiền và giao dịch tài chính sẽ khiến người dùng tin tưởng và theo đuổi.
Trước mức độ phức tạp từ các cuộc lừa đảo trên Telegram, người dùng nên thận trọng và đề phòng trước khi quá muộn. Dưới đây là một số biện pháp mà người dùng có thể áp dụng để bảo vệ bản thân khỏi những chiêu trò lừa đảo này:
-
Xem xét và phân tích kỹ thông tin: Trước khi tham gia vào bất kỳ nhóm nào trên Telegram, hãy nghiên cứu và xác minh thông tin về nhóm đó. Kiểm tra sự uy tín và danh tiếng của người tạo nhóm, số lượng thành viên, hoạt động và bài đăng trước đó. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ nào, hãy cân nhắc và tránh tham gia.
-
Không chia sẻ thông tin cá nhân: Tránh cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm như số tài khoản ngân hàng, số thẻ tín dụng,...Vì kẻ lừa đảo có thể sử dụng thông tin này để lợi dụng bạn.
-
Tìm hiểu về dự án hoặc công ty liên quan: Nếu bạn nhận được lời mời tham gia vào một dự án đầu tư hoặc công ty trên Telegram, hãy tìm hiểu kỹ về công ty đó. Kiểm tra thông tin trên trang web chính thức, tìm hiểu về lịch sử, thành tựu và đội ngũ quản lý. Nếu không có đủ thông tin hoặc có dấu hiệu không rõ ràng, hãy cảnh giác.
-
Không nạp tiền hoặc đặt lệnh: Hãy cảnh giác với bất kỳ yêu cầu nạp tiền hoặc đặt lệnh giao dịch từ nhóm trên Telegram mà bạn không tin tưởng hoặc không biết rõ về tính chất và mục đích của chúng. Đừng để mình bị thuyết phục bởi các kết quả thắng lợi nhỏ ban đầu, hãy giữ lại sự tỉnh táo và cân nhắc trước khi thực hiện bất kỳ giao dịch nào.
Như vậy, cần phải tỉnh táo và cảnh giác để có thể bảo vệ bản thân khỏi những cuộc tấn công mà nhóm 'bí mật độc hại' có thể tạo ra trên Telegram.
TH (phapluatxahoi.kinhtedothi.vn)