TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP

TOP 5 ngành học Công nghệ được trả lương cao nhất, đạt mức tiền tỷ sau vài năm ra trường

Trong bối cảnh lạm phát, khủng hoảng kinh tế thì khối ngành công nghệ có lẽ ít bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Cùng với sự phát triển của thời đại 4.0, các ngành học về công nghệ ngày càng khẳng định được vị trí và vai trò của mình. Trong bài viết này, Trang Công Nghệ sẽ điểm nhanh TOP 5 ngành học về công nghệ có lương cao nhất hiện nay.

1. Ngành Công nghệ Thông tin

Công nghệ thông tin chắc chắn là cái tên hot nhất trong những ngành học về công nghệ có mức lương ấn tượng và hấp dẫn hiện nay. Theo thống kê sơ bộ, số lượng nhân sự có chất lượng về ngành công nghệ thông tin vẫn đang thiếu hụt trầm trọng trong khi ngành này được giới chuyên gia nhận định có khả năng phát triển hơn nữa trong tương lai, khi công nghệ ngày càng phát triển và đổi mới.

Hiểu một cách đơn giản, Công nghệ thông tin là ngành học sử dụng máy tính và phần mềm máy tính để xây dựng, chuyển đổi, xử lý, lưu trữ, bảo vệ, truyền và thu thập thông tin. Nhân sự trong ngành này thường được gọi chung là IT (Information Technology).

Mục đích đào tạo ngành công nghệ thông tin là nhằm phát triển khả năng sửa chữa, tạo mới và sử dụng hệ thống các thiết bị và máy tính bao gồm phần cứng, phần mềm để cung cấp giải pháp xử lý thông tin nhanh chóng và hiệu quả trên nền công nghệ, đáp ứng tốt yêu cầu của các cá nhân, tổ chức.

Tùy vào lộ trình đào tạo của các trường đại học/cao đẳng mà các môn học ngành công nghệ thông tin sẽ có sự khác nhau đôi chút song vẫn phải đảm bảo được giá trị cốt lõi, đơn cử như một số môn học như Nhập môn lập trình; Lập trình hướng đối tượng; Cấu trúc dữ liệu và giải thuật; Công nghệ mạng; Cơ sở dữ liệu; Phân tích thiết kế hướng đối tượng; Hệ thống máy tính…

Ngành công nghệ thông tin là cái nôi để đào tạo nên các lập trình viên, chuyên viên thiết kế phân tích hệ thống, chuyên viên quản trị mạng, kỹ thuật phần cứng máy tính,... Những kỹ sư công nghệ thông tin đã và đang là nhân sự mà nhiều doanh nghiệp hiện nay đang “khát”, đưa ra các đãi ngộ tốt để mời về làm việc. 

Với sinh viên thực tập hoặc mới ra trường, lương khởi điểm rơi vào khoảng 8-10 triệu đồng/tháng. Với chuyên viên công nghệ thông tin, lương trung bình có thể dao động trong khoảng 15-25 triệu đồng/tháng và có xu hướng tăng dần theo thâm niên, kinh nghiệm làm việc và năng lực chuyên môn nghiệp vụ.

Với các vị trí quản lý hoặc lãnh đạo mức lương thường được tính bằng đô la Mỹ (USD), dao động khoảng 30-65 triệu đồng/tháng.

2. Ngành An toàn Thông tin

Ngành An toàn thông tin đòi hỏi người học không chỉ có hiểu biết về công nghệ thông tin mà còn phải nắm chắc luật an toàn thông tin, an ninh mạng, có kỹ năng điều tra tội phạm mạng, mã hóa thông tin, kiểm thử đánh giá an ninh hệ thống và phải ứng biến, xử lý nhanh các sự cố xâm nhập. Do đó, mức lương ra trường của ngành học này cũng cao tương xứng với độ khó, phức tạp của quá trình đào tạo.

Cụ thể, ngành An toàn thông tin được đào tạo để bảo vệ hệ thống thông tin, dữ liệu tránh khỏi sự tấn công của các mã độc, virus, hành động truy cập, sửa đổi, phát tán hoặc phá hoại dữ liệu bất hợp pháp nhằm đảm bảo cho hệ thống thông tin ổn định, toàn vẹn, phục vụ đúng đối tượng, vận hành chính xác và tin cậy. 

Đối với chương trình đào tạo toàn khóa, năm đầu tiên sinh viên sẽ được học các môn đại cương, năm hai sẽ tiếp cận với các môn cơ sở ngành như cơ sở dữ liệu, mạng máy tính. Từ năm thứ ba trở đi sinh viên mới đi sâu vào chuyên ngành, tìm hiểu và nghiên cứu các bộ môn luật không gian mạng và đạo đức CNTT, an toàn thông tin, an toàn web, an toàn và tính riêng tư trên điện toán đám mây.

Sinh viên ngành An toàn thông tin sau khi tốt nghiệp có thể công tác tại các vị trí như: Chuyên viên an toàn thông tin, chuyên viên phân tích, tư vấn, thiết kế hệ thống an toàn thông tin, chuyên viên kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin, quản trị an ninh mạng,  chuyên viên lập trình và phát triển ứng dụng đảm bảo an toàn thông tin trong các công ty lập trình, doanh nghiệp và cơ quan bộ ngành nhà nước có liên quan.

Theo khảo sát, thì đã có những công ty đưa ra mức lương khởi điểm từ 500 – 700 USD/tháng (tương đương 11-17 triệu/tháng) cho sinh viên mới ra trường và thực tế sau vài năm kinh nghiệm mức lương có thể lên đến 10.000 – 15.000 USD/tháng (khoảng 230-350 triệu/tháng) cho những vị trí quản lý, vận hành hệ thống.

3. Ngành Khoa học Dữ liệu

Ngành Khoa học dữ liệu (tên tiếng Anh Data Science) đảm nhiệm vai trò khai phá, quản trị, phân tích xử lý dữ liệu để dự đoán các xu hướng trong tương lai, đưa ra các quyết định và chiến lược hành động.

Ngành khoa học dữ liệu bao gồm ba phần chính: Khởi tạo và quản trị dữ liệu, Phân tích dữ liệu, và Áp dụng kết quả phân tích thành những hành động có giá trị. Việc phân tích và sử dụng dữ liệu dựa vào ba nguồn tri thức:

  • Máy học - Machine Learning

  • Thống kê toán học - Mathematical Statistics

  • Tri thức của lĩnh vực ứng dụng cụ thể.

Nếu theo học ngành này, bạn sẽ được học một số các môn chuyên ngành như: Toán rời rạc; Khoa học máy tính; Lập trình Python, Dữ liệu SQL; Trực quan hóa dữ liệu; Khai phá dữ liệu...

Sinh viên tốt nghiệp ngành Khoa học dữ liệu chính là nguồn nhân sự có chuyên môn cao, tạo nguồn cho các vị trí: Kỹ sư phát triển ứng dụng AI; Kỹ sư dữ liệu; Trở thành giảng viên và chuyên gia trong các lĩnh vực Khoa học Dữ liệu; Phân tích kinh doanh… tại những công ty công nghệ, viễn thông…

Mức lương cho học viên tốt nghiệp ngành khoa học dữ liệu với 3-5 năm kinh nghiệm hiện nay dao động trong khoảng 25-50 triệu/tháng, nằm vào top các ngành có thu nhập cao nhất. Những chỉ số này cho thấy Việt Nam cũng đang hòa mình cùng dòng chảy hiện đại, số hóa toàn cầu, dẫn đến nhu cầu nguồn nhân lực Data Science tăng cao.

4. Ngành Trí tuệ Nhân tạo

Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) là một ngành học mới, đã và đang được nhiều sĩ tử quan tâm bởi sức hấp dẫn và tiềm năng của nó. Đây là lĩnh vực thuộc khoa học máy tính nhằm tạo ra các hệ thống và chương trình máy tính có khả năng tự học, tự hiểu, và tự đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu đã có.

Mục đích của AI là tạo ra các hệ thống thông minh giúp con người giải quyết các vấn đề phức tạp trong nhiều lĩnh vực, từ giao thông, kinh tế, y tế, giáo dục đến nông nghiệp, công nghiệp và quân sự.

Ngành Trí tuệ nhân tạo hiện được ứng dụng rất nhiều trong cuộc sống hằng ngày, có thể kể đến như:

  • Trợ lý ảo: Các trợ lý ảo như Google Assistant,  Amazon Alexa, Siri,… đều được xây dựng dựa trên AI. Những trợ lý ảo này sẽ giúp nâng cao trải nghiệm và giải quyết các vấn đề của người dùng tốt hơn.

  • Digital Marketing: Công nghệ AI giúp thu thập dữ liệu và đưa ra các quyết định dựa trên cơ sở dữ liệu hiệu quả và chính xác hơn.

  • Tài chính: AI có thể được ứng dụng để dự đoán xu hướng thị trường tài chính, tối ưu hóa các quy trình giao dịch và giảm thiểu rủi ro.

  • Y tế: AI hỗ trợ đắc lực trong việc chẩn đoán bệnh và thiết kế kế hoạch điều trị.

  • Giao thông: AI có thể dự đoán nguy cơ tai nạn và đưa ra cảnh báo kịp thời cho người lái xe, từ đó góp phần giảm thiểu đáng kể tai nạn giao thông.

Các môn học bắt buộc đối với ngành trí tuệ nhân tạo mà hầu hết các trường ở Việt Nam áp dụng đó là Mạng thần kinh nhân tạo; Robot học (Robotics); Lý thuyết tính toán; Hệ thống và kiến trúc; Thiết kế thuật toán; Các kỹ thuật toán học của trí tuệ nhân tạo; Kỹ thuật phần mềm; Nguyên lý lập trình và tính toán.

Ngành trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam cũng mở ra cơ hội việc làm lớn, đầy triển vọng với các vị trí như: Nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence Researcher), Kiến trúc sư AI (AI Architect), Xử lý ngôn ngữ tự nhiên (Natural Language Processing - NLP), Dữ liệu lớn (Big Data Engineer),...

Ở Việt Nam, có những nhân sự AI được trả tới mức 10.000 USD/tháng (khoảng 230 triệu/tháng) hoặc thậm chí cao hơn nhưng đây chỉ là thiểu số. Mức lương trung bình của kỹ sư AI khoảng 4.000 - 5.000 USD/tháng, tương đương 90-115 triệu/tháng.

Mặc dù mức lương khá cạnh tranh, tuy nhiên thực tế thị trường nhân lực lĩnh vực AI đang trong tình trạng khan hiếm.

5. Ngành Hệ thống thông tin quản lý

Ngành Hệ thống thông tin quản lý (MIS- Management Information Systems) có liên quan rất nhiều đến ngành công nghệ thông tin nhưng đi sâu vào thiết kế, quản trị và vận hành các hệ thống thông tin, phân tích dữ liệu, kết nối giữa các bên liên quan trong doanh nghiệp, tổ chức với các chuyên gia công nghệ thông tin, cũng như biết các làm thế nào để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và có lợi thế cạnh tranh hơn.

Là một sinh viên ngành Hệ thống thông quản lý, bạn phải hoàn thành các học phần về tài chính doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu, cơ sở lập trình, kiến trúc hệ thống doanh nghiệp, phân tích và thiết kế hệ thống thông tin.

Một trong những vị trí điển hình mà một sinh viên tốt nghiệp ngành hệ thống thông tin quản lý có thể đảm nhiệm chính là chuyên viên phân tích nghiệp vụ, chuyên viên vận hành, chuyên viên phân tích dữ liệu hoặc nghiên cứu chuyên sâu hơn để tham gia giảng dạy, đào tạo tại các trường học, các đơn vị.

Trong 2 năm trở lại đây, ngành hệ thống thông tin quản lý luôn nằm trong top những ngành tuyển sinh hot nhất. Mức lương dành cho sinh viên tốt nghiệp ngành hệ thống thông tin quản lý tương đối cạnh tranh trên thị trường, trung bình từ trên 15-30 triệu/tháng, thậm chí là 50 triệu/tháng.

Kết luận 

Dù những ngành học kể trên đều là những ngành có triển vọng về cơ hội việc làm, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội, tuy nhiên để có mức thu nhập tốt khi tốt nghiệp không phải là điều dễ dàng. Người học cần không ngừng trau dồi thêm kỹ năng và kiến thức chuyên môn nghiệp vụ thông qua việc thực tập, thi các chứng chỉ, học thêm các khóa học chuyên sâu (miễn phí hoặc mất phí) ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Thực tế cho thấy, mỗi năm có hàng nghìn sinh viên theo học các ngành công nghệ gia nhập vào thị trường lao động, nhưng không phải tất cả đều đáp ứng được yêu cầu công việc, mức độ đào thải cũng rất cao. Bởi vậy, ngành học có lương cao cùng đòi hỏi nhân sự chất lượng cao tương xứng.

TH (phapluatxahoi.kinhtedothi.vn)

Hình ảnh SonNT

SonNT

Creative at Genisys Media

Xem gì ?

Bạn quan tâm