Máy ép chậm là thiết bị gia dụng phổ biến và cực kỳ hữu dụng của nhiều gia đình Việt ngày nay. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng không ít người dùng đã gặp phải tình trạng máy ép chậm bị kẹt, không tháo ra được. Trong bài viết này, Trang Công Nghệ sẽ giải đáp lý do và gợi ý cách khắc phục vấn đề này nhé!
1. Máy ép chậm là gì?
Máy ép trái cây thông thường được gọi là máy ép ly tâm. Nó hoạt động trên nguyên lý mâm xay của máy vận hành với tốc độ rất cao, mài nhỏ dần hoa quả được đưa vào và tách nước ra khỏi phần bã dưới lực ly tâm. Khi vận hành, máy tạo ra tiếng ồn khá lớn.
Máy ép chậm ép hoa quả dưới lực ép của trục vít đặc biệt và động cơ giảm tốc, vận tốc trung bình chỉ khoảng 45 – 85 vòng quay/phút.
Trục vít máy ép chậm sẽ từ từ nghiền nát rau củ, hoa quả và đẩy nguyên liệu vào lưới lọc mà không gây ra bất cứ lực ly tâm hay lực ma sát nào với nước ép. Một bộ phận tách bã sẽ đẩy bã ra ngoài và nước ép chảy xuống một cách tự nhiên.
Chính vì thế, máy ép chậm làm việc êm ái, tiết kiệm điện năng. Tuy thời gian ép lâu hơn máy ép thông thường nhưng lại cho ra nước ép thành phẩm đậm đặc hơn, nhiều hơn, màu sắc đẹp hơn, không bị tách nước, giữ lại gần như toàn bộ dưỡng chất, đồng thời bảo quản được lâu hơn trong tủ lạnh mà không bị oxi hóa hay phân tách.
Hiện nay, trên thị trường đang cung cấp nhiều sản phẩm máy ép chậm đến từ vô số tên tuổi lớn như Philips, Panasonic, Sunhouse, Kalite, Kangaroo,... với đa dạng mẫu mã, chủng loại. Giá bán phổ biến dao động từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.
2. Nguyên nhân máy ép chậm thường xuyên bị kẹt
2.1. Do ép nguyên liệu không phù hợp
Máy ép chậm bị kẹt có thể là do nguyên liệu quá to và cứng, không được sơ chế cắt nhỏ gây cản trở quá trình ép.
2.2. Máy bị kẹt nắp
Người dùng thường có thói quen nhồi nhét lượng lớn nguyên liệu trong một lần mà không bỏ bớt bã ra ngoài trước. Điều này dẫn tới nắp của thiết bị kẹt cứng, gây khó khăn đối với việc lấy ra ngoài. Đặc biệt là khi bạn cho những loại thực phẩm có lượng bã và xơ lớn như như đậu nành, rau má, dứa không bỏ lõi, ...
2.3. Lưỡi dao của máy bị kẹt
Việc “nhồi nhét” nhiều thực phẩm vào ép cùng lúc, thậm chí là vượt quá dung tích được nhà sản xuất khuyến nghị khiến lưỡi dao bị kẹt. Ngoài ra, nếu để nguyên liệu quá to so với khả năng cắt của lưỡi dao tiêu chuẩn cũng có thể làm cho bộ phận này bị kẹt, không thể hoạt động.
2.4. Sử dụng máy không đúng cách
Máy ép chậm bị kẹt cũng có thể xuất phát từ chính tình trạng dùng máy sai cách sau đây:
- Sau mỗi lần sử dụng, bạn không vệ sinh máy ép sạch sẽ, kỹ càng khiến bã thực phẩm cũ đọng lại vừa gây tắc lưới lọc, kẹt nắp, vừa tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm mốc phát triển...
- Điều chỉnh tốc độ ép không phù hợp với nguyên liệu đầu vào.
3. Cách khắc phục máy ép chậm bị kẹt, không tháo ra được
3.1. Vận dụng linh hoạt các tính năng của máy
Ở một số dòng sản phẩm được tích hợp thêm chức năng đảo ngược chống kẹt, bạn có thể sử dụng nó để đẩy bớt lượng trái cây, rau củ ra ngoài. Sau đó, bạn dùng lực vừa đủ và khéo léo một chút để mở nắp máy.
3.2. Ưu tiên những nguyên liệu phù hợp
Bạn chỉ nên dùng những loại nguyên liệu phù hợp với thiết bị đã mua, chủ thích ở bản hướng dẫn sử dụng hoặc từ nhân viên tư vấn bán hàng. Đồng thời, bạn hãy ép trái cây, rau củ theo thứ tự mềm cứng xen kẽ để giúp lưỡi dao hoạt động tốt nhất, không bị tắc lưới lọc.
3.3. Không ép nhiều nguyên liệu cùng lúc
Thay vì cho nhiều thực phẩm vào cùng một lúc để ép, bạn nên chia nhỏ lượng thực phẩm cho mỗi lần ép. Điều này vừa đảm bảo máy vận hành ổn định, trơn tru, vừa ép được thực phẩm nhanh chóng. Mặt khác, bạn hãy sơ chế nguyên liệu cẩn thận và cắt nhỏ trái cây, rau củ nhằm giúp máy hoạt động nhịp nhàng, dễ dàng và hiệu quả hơn.
3.4. Mang máy đi sửa chữa, bảo hành
Nếu bạn đã thử nhiều cách nhưng vẫn không thể giải quyết được tình trạng kẹt cứng hoặc không mở máy ép chậm được, hãy mang sản phẩm đến đơn vị sửa chữa để được hỗ trợ. Những kỹ thuật viên có chuyên môn kỹ thuật sẽ giúp bạn khắc phục tình trạng này nhanh chóng.
4. Khi sử dụng máy ép chậm, bạn cần lưu ý điều gì?
Bạn cần đặt máy ở nơi bằng phẳng, các bộ phận được lắp ráp chắc chắn để máy luôn hoạt động hiệu quả, tránh rung lắc hoặc xảy ra trục trặc làm máy bị kẹt.
Nếu thấy hiện tượng nước ép chảy ra yếu hoặc không chảy, bạn cần tắt máy và rút dây điện. Tiếp theo, hãy tiến hành tháo và vệ sinh lưới lọc sạch sẽ. Cuối cùng, dùng khăn để lau khô lưới lọc trước khi lắp lại vào máy.
Lần lượt ép từng loại hoa quả và chú ý quan sát lấy bã ra ngoài khi gần đầy nhằm hạn chế tình trạng máy bị kẹt cứng.
Sau mỗi lần sử dụng, người dùng nên tháo rời các bộ phận của máy, để ráo, đảm bảo phần lưới lọc, lưỡi dao, khay chứa bã đã được làm sạch để giúp máy luôn hoạt động ổn định.
5. Một số vấn đề khác có thể gặp khi sử dụng máy ép chậm
5.1. Máy ép hoạt động không như công suất ban đầu
Nếu hiệu suất và tốc độ hoạt động của máy ép bỗng nhiên giảm hơn nhiều so với những ngày đầu thì chắc chắn thiết bị của bạn đang gặp vấn đề. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên nhưng cơ bản nhất vẫn có thể là bạn chưa thực sự sử dụng đúng cách và không bảo quản kỹ lưỡng.
5.2. Máy ngừng hoạt động đột ngột
Máy đang hoạt động bình thường nhưng đột nhiên không hoạt động, ngoài việc bị kẹt bã thì nhiều khả năng là do máy đã làm việc liên tục trong thời gian quá dài khiến mô tơ bị nóng và tự động ngắt điện.
Để hạn chế lỗi này thì cứ sau mỗi 30 phút hoạt động thì cho máy nghỉ ngơi khoảng 15 phút rồi mới bắt đầu lại. Việc này không những giúp kéo dài tuổi thọ của sản phẩm mà còn giảm thiểu những lỗi phát sinh khác.
5.3. Máy ép bị gỉ sét
Ngoài những lỗi trên, trong quá trình sử dụng lâu dài máy ép chậm đôi khi bị rỉ sét cả lớp vỏ ngoài đặc biệt là lưỡi dao. Điều này sẽ rất nguy hiểm đối với người tiêu dùng vì nước ép bằng máy rỉ sét sẽ chứa những tạp chất có hại cho sức khỏe.
Nguyên nhân gây ra tình trạng trên có thể là ngay từ khi mua sản phẩm bạn chưa để ý kĩ chất liệu máy hoặc bảo quản chưa đúng cách.
6. Tạm kết
Bài viết này, Trang Công Nghệ đã chia sẻ đến bạn nguyên nhân, cách khắc phục tình trạng máy ép chậm bị kẹt giúp bạn sử dụng thiết bị hiệu quả hơn. Bất kỳ sản phẩm nào cũng có thể gặp sự cố không mong muốn, tuy nhiên để giảm thiểu tối đa nguy cơ hỏng hóc, người dùng nên vệ sinh, bảo quản và vận hành thiết bị theo khuyến nghị của nhà sản xuất.
TH (phapluatxahoi.kinhtedothi.vn)