Cách Trái Đất trung bình khoảng 384.400 km, không dễ để chụp ảnh Mặt Trăng ngay cả với máy ảnh chuyên nghiệp, nhưng đã có các smartphone cung cấp khả năng này, như Huawei P30 Pro và mới đây nhất là Samsung S21 Ultra với tính năng 100x Space Zoom. Và như P30 Pro, khả năng chụp Mặt Trăng của S21 Ultra cũng bị nghi ngờ là giả tạo.
Bài viết liên quan:
- Hé lộ dàn siêu phẩm smartphone sắp ra mắt tháng 6: OnePlus Nord 3, Samsung Galaxy F54
- Đánh giá Tecno Phantom V Fold: Flagship gập ngang giá rẻ nhất năm 2023?
- Điện thoại gập Huawei Mate X3 được đánh giá là xuất sắc nhất trong lịch sử của hãng
Có tin đồn rằng Samsung đang dùng AI để nhân tạo hoá các bức ảnh chụp mặt trăng bằng Space Zoom 100x trên Samsung Galaxy S21 Ultra nhằm tạo ra những bức ảnh có độ chi tiết đáng kinh ngạc như sau:
Samsung bị cáo buộc lưu trữ bộ sưu tập các hình ảnh của mặt trăng mà rồi chồng lên các bức ảnh thực tế mà người dùng chụp Mặt trăng, có nghĩa là bạn không thực sự nhìn thấy những gì đang được chụp, mà là một bức ảnh Mặt trăng được chụp bởi những máy ảnh khác.
Một video cho thấy cảnh mặt trăng bị mờ đột ngột tăng độ phân giải trở thành một bức ảnh siêu rõ nét. Từ đó cho rằng Samsung dùng ảnh lưu trữ sẵn để tăng chi tiết cho Mặt trăng, Alexi Bexi, người đăng tải video, nói rằng đây là thủ thuật mà Huawei đã dùng trước đây cho tính năng chụp Mặt trăng trên smartphone của họ, mà điều này cũng đã bị Huawei bác bỏ.
Tác giả Raymond Wong từ trang Input xem xét chi tiết tuyên bố này và đã thử nghiệm cho thấy Samsung không sử dụng ảnh “fake' để tạo Mặt trăng.
Bức ảnh Mặt trăng được Raymond Wong chụp bằng S21 Ultra cho thấy có chất lượng cực tốt, đến mức ảnh của iPhone 12 Pro Max hoàn toàn không đáng để so sánh. Trong khi Mặt trăng của Samsung rõ nét bao nhiêu thì Mặt trăng của Apple thậm chí còn chẳng ra nét gì giống Mặt trăng, “nó như ảnh chụp củ khoai tây mờ tịt hay một tép tỏi', Wong nhận xét.
Quay lại với “bằng chứng” của Bexi về việc S21 Ultra tự thêm các hoạ tiết cho “vật thể hình mặt trăng” được camera phát hiện. Wong đã thử tái tạo lại giả thuyết này, anh chụp một số bức ảnh 100x của một tép tỏi trên nền đen, không có gì xảy ra. S21 Ultra không phủ bất kỳ họa tiết nào lên trên, mặc dù phần tỏi trông giống như mặt trăng. Anh mở ảnh Mặt trăng từ Google Hình ảnh trên màn hình máy tính và sau đó thử lại, cũng không có hiệu ứng nào.
Một YouTuber khá nổi tiếng là MrMobile cũng thử nghiệm tương tự nhưng còn chi tiết hơn, đó là dùng quả bóng bàn trên nền đen, thậm chí dùng đèn flash của Z Fold 2 chiếu vào để khiến quả bóng giống Mặt trăng nhất có thể. Tuy nhiên, S21 Ultra cũng không nhận diện vật thể này thành Mặt trăng, không có hoạ tiết nào được thêm vào.
Trong một thử nghiệm quan trọng để biết liệu hình ảnh rõ nét từ ảnh chụp là hoạ tiết do AI tự thêm vào khi nhận biết chủ thể thật sự là Mặt trăng, hay đó thật sự không phải là lừa dối, Wong đã dùng máy ảnh Sony A7R III với lens 200-600mm giá 2000 USD mà anh chỉ dám... đi thuê để so sánh.
Mục đích của thử nghiệm là nếu hai bức ảnh cho hình ảnh giống nhau, thì S21 Ultra không dùng ảnh “fake' để tạo nên Mặt trăng. Kết quả, thậm chí ảnh của S21 Ultra và A7R III không chỉ trùng khớp đến từng đường nét, mà ảnh của S21 Ultra còn rõ nét hơn A7R III rất nhiều, ngay cả khi bức ảnh từ A7R III đã được chỉnh sửa để mang lại độ chi tiết cao hơn.
“Chồng lên nhau, bề mặt của Mặt trăng khớp nhau gần như hoàn hảo trong cả hai bức ảnh. Nếu S21 Ultra tổng hợp hình ảnh bề mặt Mặt trăng được chụp từ một số loại cơ sở dữ liệu về bản đồ Mặt trăng lưu trữ trong phần mềm, thì sẽ rất khó để chúng khớp hoàn hảo. Điện thoại sẽ phải thu thập các phép đo cực kỳ chính xác để có được góc của miệng núi lửa hoàn hảo. Có vẻ như là rất nhiều công đoạn phải trải qua chỉ để chụp ảnh mặt trăng giả và thậm chí Samsung sẽ không bận tâm đến việc lãng phí tài nguyên (và sức mạnh xử lý của điện thoại) chỉ để giả tạo 100x zoom”, anh nhận xét.
Hình ảnh chồng trùng khớp lên nhau
Làm thế nào để khả năng zoom 100x của S21 Ultra chụp được bức ảnh tốt hơn ngay cả khi so với thiết lập máy ảnh 5000 USD? Đơn giản là nhờ AI.
Samsung cũng không che giấu sự thật này. Samsung cho biết AI Super Resolution chịu trách nhiệm tạo ra những bức ảnh sắc nét hơn mắt thường ở mức thu phóng 10x đến 100x.
“Từ zoom 10x đến 100x, chất lượng hình ảnh được tăng cường nhờ AI Siêu phân giải mạnh mẽ. Với một lần nhấn nút chụp, tối đa 20 khung hình được chụp và xử lý với tốc độ tức thời. AI nâng cao sau đó đánh giá và chỉnh sửa hàng nghìn chi tiết nhỏ để tạo ra hình ảnh chi tiết ngay cả ở mức độ phóng đại cao. Và khi chụp ở độ phóng đại cao, Zoom Lock sử dụng phần mềm thông minh để đặt hình ảnh đúng vị trí để bạn có thể chụp với độ rung tối thiểu”, theo Samsung.
Sự khác biệt chính giữa ảnh giả và ảnh được điều chỉnh hoặc nâng cao là việc bổ sung hình ảnh riêng biệt. Việc sử dụng thuật toán để chỉnh sửa ảnh cho rõ nét nhằm bù đắp những khiếm khuyết về kích thước cảm biến hình ảnh của điện thoại và hạn chế về quang học không giống như việc tạo ra một hình ảnh mới với các chi tiết từ một bức ảnh khác được chụp từ nơi khác. Có một sự khác biệt lớn giữa sửa chữa và thêm vào.
Bức ảnh chụp Mặt trăng rõ nét chỉ có thể được thực hiện nếu máy bật tính năng Scene Optimizer. Nếu tắt, bạn chỉ nhận được bức ảnh như một quả cầu trắng.
'Biểu tượng mặt trăng màu vàng là từ Scene Optimizer để báo hiệu rằng nó đã xác định một cảnh vào ban đêm. Trong môi trường tối / ánh sáng yếu - người dùng cũng có thể nhận được cửa sổ đề xuất sử dụng Chế độ ban đêm. Sau khi máy ảnh phát hiện một vật thể (trong trường hợp này là Mặt trăng) và mức độ sáng của nó, sau đó máy ảnh sẽ điều khiển mức độ phơi sáng theo độ sáng của Mặt trăng (có thể rất mạnh). Theo kịch bản này, máy ảnh sẽ sử dụng thuật toán AI hàng đầu để tăng cường chi tiết và khôi phục kết cấu. Dựa trên điều này, không có sự thay thế ảnh nào được thực hiện', theo Samsung.
Nếu không bật Scene Optimizer, S21 Ultra không thể xác định đối tượng là Mặt trăng và không chạy các thuật toán AI của nó để điều chỉnh cài đặt máy ảnh để có độ phơi sáng thích hợp. Bạn có thể coi AI như một chế độ chụp Mặt trăng đặt trước để tùy chỉnh điều chỉnh bù phơi sáng, tốc độ màn trập, ISO của máy ảnh - tất cả các cài đặt này, chỉ thay vì thông qua phần cứng, nó được thực hiện bằng máy học - để bạn có được ảnh Mặt trăng rõ nét.
Khi được hỏi tại sao bức ảnh lại rõ nét hơn khi xem trước qua khung ngắm, Samsung phản hồi:
“Ảnh thực tế thường sẽ có chất lượng cao hơn ảnh xem trước trên máy ảnh. Điều này là do xử lý đa hình ảnh dựa trên AI bổ sung xảy ra khi ảnh được chụp”.
Theo Samsunng, khi chụp ảnh một đối tượng, 3 yếu tố chính được đưa vào vị trí. Phát hiện đối tượng (khi bật trình tối ưu hóa cảnh), xử lý AI mạnh mẽ và tăng cường nhiều khung hình. Mỗi một trong những tính năng này đều đóng một vai trò quan trọng để cung cấp những bức ảnh chất lượng. Khi kết hợp, các tính năng này tạo ra sự cân bằng thích hợp giữa vẻ ngoài tự nhiên và chi tiết. Quá trình bắt đầu bằng cách xác định một đối tượng dựa trên chế độ xem thực tế của mắt người, sau đó kết hợp nhiều khung hình và nâng cấp thêm bằng cách tạo ra mức độ chi tiết cao hơn cho đối tượng, cuối cùng được tận dụng bởi giải pháp AI học sâu, nó sử dụng giả định theo ngữ cảnh để xử lý và ghép mảnh kết hợp tất cả thông tin để mang lại kết quả chất lượng cao.
Cuối cùng, Samsung khẳng định trong phản hồi với Wong, “Không có hiệu ứng vân bề mặt hoặc lớp phủ hình ảnh nào được áp dụng khi chụp ảnh, bởi vì điều đó sẽ khiến các đối tượng tương tự nhau có cùng mẫu vân bề mặt nếu việc phát hiện đối tượng bị nhầm lẫn bởi Scene Optimizer”.
Sau nhiều thử nghiệm và phản hồi từ Samsung, có thể khẳng định khả năng chụp ảnh Mặt trăng trên S21 Ultra không liên quan đến việc chèn thêm ảnh khác vào ảnh gốc, mà đó là kết quả nghệ thuật của hệ thống phần mềm cực kỳ thông minh với khả năng tự điều chỉnh ấn tượng.
Nhưng liệu sau khi áp dụng hàng loạt điều chỉnh thì một bức ảnh có được xem là “thật' nữa hay không, điều này còn tuỳ thuộc vào mỗi người, chỉ có thể biết được rằng Samsung không cho chúng ta một Mặt trăng “fake'.
TH (phapluatxahoi.kinhtedothi.vn)