Hôm nay là ngày đầu tiên của tháng 7 âm lịch, dân gian thường gọi là “tháng cô hồn”. Mặc dù đã trở nên quen thuộc với nhiều người, không phải ai cũng biết tên gọi này xuất phát từ đâu. Cùng Trang Công Nghệ tìm hiểu nguồn gốc cái tên “tháng cô hồn” trong bài viết dưới đây nhé!
Tại sao lại gọi là "Tháng cô hồn"?
Tháng 7 Âm lịch năm Quý Mão sẽ bắt đầu từ 16/8 đến hết ngày 14/9 dương lịch. Ngoài tên gọi “tháng cô hồn”, thời gian này còn được xem là tháng “mở cửa mả”.
Theo dân gian, tháng 7 âm lịch là tháng của ma quỷ. Chuyện kể rằng, vào ngày 2/7, Diêm Vương sẽ mở cửa ngục để các vong linh được tự do trở về dương thế. Quỷ môn quan sẽ dần đóng lại vào giữa đêm ngày 14/7 và đóng hoàn toàn vào ngày Rằm tháng 7 âm lịch. Để bố thí cho các vong linh, quỷ đói vất vưởng đồng thời mong cho gia đình không bị quấy phá, người dân thường mở lòng từ bi, cúng thí cháo, gạo trong 2 ngày này.
Nguồn gốc của tên gọi “tháng cô hồn” được cho rằng bắt nguồn từ văn hóa Đạo giáo Trung Quốc. Tuy nhiên, thực tế là các nền văn hóa khác như Campuchia, Ấn Độ hay Nhật Bản đều có chung niềm tin về tháng 7 âm lịch.
Đối với quan điểm của Đạo Phật, ngày “xá tội vong nhân” cũng là lễ Vu Lan báo hiếu, một ngày lễ chính của Phật giáo Bắc Tông (Đại thừa). Nguồn gốc ra đời của ngày này liên quan đến sự tích về đại đức Mục Kiền Liên (đệ tử của Phật Thích Ca) đã cứu mẹ mình ra khỏi địa ngục nhờ vào lòng hiếu thảo hơn người.
Nhìn chung, có nhiều câu chuyện khác nhau xoay quanh ý nghĩa của tháng 7 âm lịch nhưng điểm giống nhau là đều nói về thế giới tâm linh và những vong hồn hoặc ma quỷ chưa được siêu thoát. Vì vậy, tên gọi “tháng cô hồn” đã gắn liền và trở nên quen thuộc với tháng 7 âm lịch trong năm.
Bạn đã hiểu hơn về nguồn gốc của tên gọi trên chưa? Đừng quên theo dõi Trang Công Nghệ để đón đọc những kiến thức bổ ích khác nhé!
TH (phapluatxahoi.kinhtedothi.vn)