Giật lag, treo đơ, thao tác chậm là tình trạng mà hầu như người dùng điện thoại Android “lâu đời” nào cũng gặp phải. Chỉ với một vài thao tác đơn giản, bạn có thể cải thiện đáng kể vấn đề này cho thiết bị của mình.
Điện thoại thông minh phát triển mạnh mẽ cũng khiến tình trạng “xuống cấp” này được giảm thiểu không ít, ngay cả trên những máy chạy hệ điều hành Android giá rẻ. Nhưng nếu bạn vẫn chưa đủ điều kiện để “lên đời” một chiếc máy mới hơn, bạn có thể áp dụng ngay những cách cơ bản trong bài viết này để tiết kiệm chi phí mà vẫn đáp ứng đủ những nhu cầu:
Gỡ cài đặt hoặc tắt các ứng dụng không cần thiết
Chúng ta đều có thói quen “tải về hơn gỡ bỏ”. Đó là liên tục download những ứng dụng mới mà không dọn đi những ứng dụng ít sử dụng hoặc rất lâu không sử dụng. Những ứng dụng chiếm dung lượng này là một phần nguyên nhân dẫn tới hiệu suất hoạt động của thiết bị giảm đi. Việc tối giản hóa ứng dụng giúp loại bỏ tình trạng chạy ngầm chiếm dụng tài nguyên hệ thống không cần thiết.
Ứng dụng được khuyên gỡ bỏ bao gồm các chương trình diệt virus và các công cụ quản lý tác vụ. Bạn hoàn toàn có thể yên tâm về tính an toàn bởi tính năng Play Protect của Google đủ tối ưu để bảo vệ thiết bị thông minh nếu bạn chỉ tải xuống những ứng dụng từ CH Play.
Trong trường hợp thường xuyên sử dụng app được cung cấp bởi bên thứ ba hoặc máy của bạn không hỗ trợ Play Protect, bạn cũng chỉ nên giữ lại các chương trình diệt virus vì các công cụ quản lý tác vụ thậm chí còn gây hại cho thiết bị của bạn hơn nếu không được cung cấp bởi một nhà phát triển uy tín.
Một mẹo nhỏ nữa là xóa bộ nhớ đệm cho từng ứng dụng. Việc này không hề ảnh hưởng đến thông tin đăng nhập hay các tính năng tùy chọn cài đặt trước đó của bạn.
Tối giản hóa màn hình chính của thiết bị
Nhiều người dùng có thói quen “trưng bày” quá nhiều phím tắt nhanh ở màn hình chính của mình khiến cho hiệu suất thiết bị giảm đi đáng kể. Việc này không gây ảnh hưởng quá nhiều đối với các mẫu điện thoại đời mới nhưng các thiết bị cũ hơn cần được tối giản hóa. Bạn cũng nên sử dụng hình nền thông thường thay cho hình nền động hay video để giảm độ giật lag cho điện thoại. Ngoài ra, việc sử dụng launcher do bên thứ ba cung cấp cũng ảnh hưởng ít nhiều đến tốc độ thao tác trên smartphone của bạn.
Cập nhật và cài đặt phần mềm mới nhất
Nhiều người thường không để ý cập nhật hay cài đặt phần mềm trên điện thoại của mình. Cập nhật phần mềm giúp thiết bị có những cải tiến về hiệu suất cũng như sửa lỗi tính năng nếu có. Ngay bây giờ hãy kiểm tra điện thoại và truy cập Cài đặt > Hệ thống > Cập nhật phần mềm để update ngay lập tức nếu cần nhé.
Tương tự đối với các ứng dụng sau khi đã chọn lọc để giữ lại, việc cập nhật phiên bản mới hơn cũng giúp bổ sung những tính năng mới và có những cải tiến nhất định về tốc độ.
Khởi động lại thiết bị định kỳ
Khi khởi động lại thiết bị, các ứng dụng đang chạy hoặc chạy ngầm sẽ được tắt bỏ. Ở một số phiên bản Android như One UI của Samsung hoặc OxygenOS của OnePlus, bạn có thể thiết lập cho máy tự khởi động lại theo chu kỳ. Bởi việc khởi động lại thiết bị chỉ giúp máy tăng tốc tạm thời chứ không phải cách khắc phục lâu dài.
Ưu tiên ứng dụng phiên bản Go/Lite
Các ứng dụng phiên bản Lite hoặc Go sẽ nhẹ hơn nhờ rút gọn các tính năng rườm rà nhưng vẫn có thể hoạt động tốt dù thiết bị chỉ có dung lượng RAM thấp hoặc vi xử lý yếu. Không phải tất cả nhưng những ứng dụng được cung cấp bởi các tên tuổi lớn như Google, Facebook hoặc Microsoft đã có phiên bản Lite để bạn có thể sử dụng.
Khôi phục cài đặt gốc
Việc khôi phục cài đặt gốc có thể xem là hiệu quả nhất để cải thiện hiệu suất điện thoại. Tuy nhiên cũng phức tạp và mất nhiều thời gian hơn vì bạn cần đảm bảo đã sao lưu tất cả dữ liệu quan trọng trước khi khôi phục cài đặt gốc của máy.
Bật “Developer Options” (Tùy chọn nhà phát triển)
Mục đích khi bật Tùy chọn nhà phát triển là tắt các hiệu ứng giao diện người dùng. Những hiệu ứng hình ảnh được thêm vào các điều hướng hoặc giao diện người dùng này giúp tăng tính thẩm mỹ của giao diện màn hình. Việc tắt các chúng đi giúp máy chạy mượt và nhanh hơn.
Trên đây là những mẹo đơn giản, dễ thực hiện nhất để tăng tốc cho chiếc điện thoại Android cũ của bạn mà không mất bất kỳ chi phí nào. Nếu chưa có điều kiện hay cảm thấy không cần thiết nâng cấp một thiết bị di động mới, bạn có thể áp dụng những cách trên và xem hiệu quả thế nào nhé!
Xem thêm:
- Hưỡng dẫn "tắt/khởi động lại" trên Windows Server 2012
- [Thủ thuật] Quản lý Máy chủ thời gian(Time Servers)cho Windows 10
TH (phapluatxahoi.kinhtedothi.vn)