TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP

Tìm hiểu ưu nhược điểm của công nghệ sạc GaN

Sạc nhanh và sạc GaN đang là hai công nghệ sạc được biết đến nhiều nhất trên các dòng smartphone. Sạc nhanh (Quick Charge) có phần quen thuộc hơn GaN. Vì vậy, hôm nay hãy cùng Trang Công Nghệ đi tìm hiểu kĩ hơn xem công nghệ sạc này có những ưu nhược điểm gì nhé! 

GaN và công nghệ sạc GaN là gì, ưu điểm ra sao?

GaN (Gallium Nitride) được dùng phổ biến như một chất bán dẫn từ năm 1990, bên cạnh hợp chất Silicone. 

Về công nghệ sạc GaN, nó được áp dụng trên những củ sạc hoặc adapter (bộ chuyển đổi điện áp) làm từ Gallium Nitride. 

Ưu điểm của chất GaN là khả năng chịu nhiệt vượt trội, đáp ứng điện năng cao và độ di động điện tử lớn. GaN được sử dụng trong chế tạo các linh kiện sạc nhanh điện thoại, đem lại hiệu quả tốt trong việc xử lý điện năng cao ở nhiều thiết bị. 

Khi áp dụng trong công nghệ sạc GaN, nó có điểm mạnh là giúp thu nhỏ kích cỡ thiết bị sạc, đồng thời đảm bảo an toàn nhờ khả năng tối ưu nhiệt lượng tỏa ra giúp củ sạc mát nhanh hơn. GaN cũng được sử dụng trong công nghệ anten radio 5G. 

Những ưu điểm khác có thể kể đến của công nghệ sạc GaN bao gồm: sạc nhanh hơn, cải thiện tần số chuyển mạch tốt hơn, tiết kiệm chi phí hơn. 

GaN có tốc độ truyền dẫn và xử lý tốt hơn Silicone. Vì vậy, sạc sử dụng công nghệ GaN thường có trọng lượng và kích thước nhỏ hơn. Bên cạnh đó, khả năng dẫn điện tốt cũng giúp cắt giảm được nhiệt năng trên củ sạc, dòng điện truyền đến thiết bị sạc nhanh hơn giúp tiết kiệm tối đa thời gian sạc. Ngoài ra, bộ sạc GaN cũng có tốc độ truyền tải điện không dây tốt hơn nhờ sở hữu tần số chuyển đổi cao. Mặc dù hợp chất GaN có giá thành cao hơn Silicone nhưng hiệu quả sản xuất đạt được cao hơn, từ đó sẽ tối ưu được chi phí sản xuất giúp giảm giá thành đáng kể khi tới tay người dùng. 

Công nghệ sạc GaN có nhược điểm gì?

Bên cạnh những ưu điểm kể trên thì công nghệ sạc này cũng có một số điểm yếu nhất định. Đầu tiên phải kể đến tiềm năng chưa được phát huy tối đa do công suất cũng như chip quản lý của các thiết bị điện tử hiện tại còn thấp và chưa đủ khả năng đáp ứng. 

Tiếp theo đó là sự thiếu đa dạng ở phân khúc sản phẩm hiệu suất cao từ 90-100W khiến công nghệ này chưa được sử dụng rộng rãi. 

Mặc dù tối ưu được chi phí sản xuất nhưng những thiết bị sạc sử dụng công nghệ GaN vẫn có giá thành tương đối cao so với các sản phẩm sạc phổ biến khác. 

Tổng kết

Nhìn chung, công nghệ sạc GaN vẫn sở hữu nhiều ưu điểm đáng cân nhắc. Nếu khả năng tài chính cho phép, bạn chắc chắn nên sở hữu một thiết bị sạc sử dụng công nghệ GaN nhỏ gọn, tối giản, an toàn và đi trước thời đại này.

Bạn thấy sao về công nghệ sạc GaN? Bạn đã sở hữu sản phẩm sạc nào như vậy chưa?

TH (phapluatxahoi.kinhtedothi.vn)

Hình ảnh Diệu Linh

Diệu Linh

Đang cập nhật...

Xem gì ?

Bạn quan tâm