Giờ đã trở thành một thói quen là mỗi buổi sáng thức giấc, tôi lại dành những quãng lặng nhớ lại những gì đã trôi qua. Cứ y như thời gian vẫn còn đấy. Những gì của ngày qua, những gì đã qua, đang tới và sẽ tới chẳng phải đã an bài hết rồi. Ta gọi là số phận? Thời gian đâu mất. Nó đang nằm ở một cảnh giới khác mà thôi.
Với cõi Mê thì thay vì an nhiên như Mãn Giác nhìn mai nở, người ta thống thiết :
“Ai đâu trở lại mùa thu trước,
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng?”
(Chế Lan Viên)
Hoặc cuống lên như nhà thơ Xuân Diệu:
“Mau với chứ vội vàng lên với chứ,
Em, em ơi tình non sắp già rồi!”
Có câu rằng: không ai tắm 2 lần trên một dòng sông. Ngay cả bậc Thánh Nhân như Khổng Tử cũng nhìn sông trôi thao thiết, nhìn sự luân lưu bất tận ấy đã thở dài…
Tương truyền, cách đây gần 3000 năm xa lắc xa lơ, trên một đỉnh núi cao vòi vọi. Gió im. Mây tụ. Khổng Tử và Lão Tử đã có cuộc đối thoại lịch sử.
Khổng lưu lại nơi ấy mấy ngày rồi mới chào từ biệt Lão Tử.
Lúc đi đến bờ sông Hoàng Hà, thấy nước sông cuồn cuộn chảy, khí thế như vạn mã lên đường, thanh âm như hổ gầm sấm nổ, Khổng Tử đứng bên bờ sông một lúc lâu rồi bất giác cảm thán:
“Chảy hoài như thế ư, ngày đêm không ngừng nghỉ! Nước Hoàng Hà chảy mãi không thôi, năm tháng đời người trôi đi chẳng dứt. Nước sông chẳng biết chảy đi đâu, đời người chẳng biết sẽ về nơi nao!”.
Có lẽ đây là cảm hứng cho rất nhiều kiệt tác Đường thi gắn con sông Hoàng Hà như một biểu tượng mặc định, như một hình ảnh cụ thể, sinh động về Thời Gian.
Dùng không gian để nhận thức và cảm nhận thời gian cho ta hôm nay cảm giác lạ nhưng trong liên tưởng của người xưa nó rất tự nhiên. Bởi tất cả các phạm trù dù vô hình hay hữu hình chúng đều viên dung cùng nhau, tồn tại trong nhau. Nó đều do Đấng Sáng Thế Chủ sáng tạo. Không gì không bao hàm trong đó.
Lý Bạch trong bài “Tương tiến tửu” (Tương Như dịch), đã hát:
“Há chẳng thấy:
Nước sông Hoàng từ trời tuôn xuống
Chảy nhanh ra biển, chẳng quay về,
Lại chẳng thấy:
Thềm cao gương soi rầu tóc bạc
Sớm như tơ xanh, chiều tựa tuyết? “
Càng hiểu thêm 2 câu đầu trong tác phẩm “Lên lầu Quán Tước” của Vương Chi Hoán (Trần Trọng San dịch):
“Mặt trời đã khuất non cao
Sông Hoàng cuồn cuộn chảy vào bể khơi”
Hóa ra “Mặt trời trắng dựa vào núi xa” là không gian dưới tầm mắt (Bạch nhật y sơn tận). “Sông Hoàng Hà lao ra trắng xóa một dòng giữa đại dương xanh thẳm” (Hoàng Hà nhập hải lưu) lại là phạm trù thời gian.
Đứng giữa Thời, Không bất tận ấy, họ Vương muốn chiếm lĩnh một Thời, Không khác nên “bước lên một tầng lầu” nữa.
Loay hoay với cõi trần tục lụy, với hy vọng kinh bang tế thế, mãi Khổng Tử mới tìm được đường đi cho mình, cho môn đồ của mình.
Và ông đề xuất điều ấy cho chúng sinh bằng câu nói bất hủ : “Triêu văn Đạo, tịch khả tử” (“Buổi sáng được nghe Đạo, buổi tối chết cũng cam lòng”.)
Xưa nay, người ta không ở trong Đạo nên bàn về Đạo và Đức của Lão Tử như mò trăng đáy nước. Người ta đóng khung học thuyết Khổng Tử là Nhập Thế. Và Lão Tử là Xuất Thế. Chúng đối lập nhau.
Thực ra, đi hết Khổng Tử, nghĩa là trong thế gian này, tiêu chuẩn tối thiểu phải là làm được Người Thường với Ngũ Thường: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín thì ta mới chạm được vào thế giới của Thánh, của Hiền. Tức là của những sinh mệnh cao cấp, vượt trên con người thấp dưới cõi trần.
Đi hết Khổng Tử sẽ gặp Lão Tử. Cả Khổng và Lão đều trong một trường phái tu luyện, chứ không như chúng ta ngộ nhận lâu nay. Và tiếp tục ngộ nhận. Bởi, ở cảnh giới của Lão Tử chỉ có những Chân Nhân mới ngộ và hiểu được.
Đi hết Khổng Tử thì sẽ gặp Lão Tử
Người xưa, coi trọng những giá trị cổ xưa. Chúng ta hôm nay ngạo nghễ coi khoa học thực chứng xây nên văn minh nhân loại. Chúng ta gọi người xưa lạc hậu, là loại người” phục cổ, súy cổ”. Cứ giả định xa xưa, “Nhân Thần đồng tại”. Nền văn hóa ấy lấy tiêu chuẩn Đạo Đức làm giá trị thì việc hướng về quá khứ đâu phải lãng mạn?
Bởi thế, Trần Tử Ngang leo lên đài U Châu muốn tìm gặp “cổ nhân”; muốn đợi chờ” lai giả ” (Giác Giả) :
“Trước, không thấy cổ nhân,
Sau, không thấy Giác Giả,
Ngẫm, trời đất vô cùng,
Giọt châu rơi lã chã.”
Lên lầu Hoàng Hạc, Thôi Hiệu mở đầu bằng một niềm cảm hoài :
“Người xưa đã cưỡi Hạc Vàng đi” – (Tích nhân dĩ thừa Hoàng Hạc khứ)
“Tích nhân” của họ Thôi có cùng cảm xúc cùng “cổ nhân” của Trần Tử Ngang?
Bất giác nhớ tới một tuyệt tác Đường Thi của Thôi Hộ. Một đề tài hình như rất đời thường, rất nhân sinh. Nó không có những suy niệm triết học xa vời như các dẫn chứng trên.
Nhớ tới là vì nó cũng có cùng chữ KHỨ như Thôi Hiệu. [去] : (đi, từ bỏ, đã qua …)
題都城南莊
去年今日此門中,
人面桃花相映紅。
人面不知何處去?
桃花依舊笑春風。
* Phiên âm:
Đề đô thành Nam trang (Thôi Hộ)
Khứ niên kim nhật thử môn trung,
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng.
Nhân diện bất tri hà xứ khứ,
Đào hoa y cựu tiếu xuân phong.
*Dịch nghĩa :
Năm trước ngày này, ngay cửa này,
Mặt người, hoa đào ánh hồng lẫn nhau.
Mặt người chẳng biết đã đi đâu,
[/i]Vẫn hoa đào năm ngoái đang cười giỡn với gió xuân.
*Bản dịch của Nguyễn Thị Bích Hải :
“Năm qua trong cánh cổng này,
Màu hoa cùng với mặt ai ửng đào.
Giờ đây người ở nơi nào,
Hoa đào như cũ cười chào gió Đông.”
Theo “Tình sử” của Phùng Mộng Long, Thôi Hộ nhân tiết thanh minh một mình đi chơi về phía Nam đô thành, thấy một ấp trại chung quanh đầy hoa đào.
Thôi Hộ gõ cửa xin nước uống, một người con gái mở cổng, hỏi tên họ rồi bưng nước đến, người con gái sắc đẹp đậm đà, duyên dáng, tình ý, dịu dàng kín đáo. Năm sau, cũng vào tiết thanh minh, Thôi Hộ lại đến tìm người cũ thì cửa đóng then cài, nhân đó mới đề lên cánh cửa bên trái bài thơ này.
Người con gái xem thơ, nhớ thương rồi ốm chết. Chợt, Thôi Hộ đến, nghe tiếng khóc bèn chạy vào ôm lấy mà khóc. Người con gái bỗng hồi tỉnh rồi sống lại. Ông bố bèn đem cô gái gả cho Thôi Hộ. Cũng từ điển này, người ta thường ví mặt người con gái đẹp với hoa đào.
Chỉ gặp nhau thoáng qua. Mắt kẻ phong lưu chẳng dám tỏ tường nhìn má đỏ hây của giai nhân, chỉ nhìn hoa đào rồi vội lén nhìn phía đối diện, sắc hồng tương giao.
Chỉ có mùa xuân và hoa đào vào cuộc khiến cho người tài tử ấy lưu thoáng xuân kia trở thành thiên thu bất tử. Năm là của thời gian đã qua (khứ niên). Ngày ấy cũng là ngày đã qua nhưng không phải là “khứ nhật” mà là “KIM nhật ” (ngày này, ngày hôm nay…).
Cái “nay” là thời điểm, cái xa xưa nó hun hút của 360 ngày đằng đẵng. Cái đã xa, sau một năm dài tái hiện lại trở thành da diết. Vẫn là mùa xuân ấy nhưng hoa đào đã khác. Năm xưa, chàng trai không biết màu thắm đào trên má thiếu nữ do hoa đào phản chiếu vào hay chính sắc đào trên má của nàng cho hoa đào tươi từng nụ thắm từng bông…
Thì năm nay đã có câu trả lời. Chính sắc xuân trên má phấn người con gái đã chiếu ánh và nhuộm hoa nên tươi thắm!
Cô gái ấy là sinh mệnh đã chi phối cả mùa xuân của vũ trụ.
Bởi thế mà hôm nay, thiếu người thiếu nữ, sắc xuân của hoa đã không còn như xưa nữa.
Cụ Nguyễn Du đã dựa trên thơ Thôi Hộ mà tạo nên hai dòng lục bát kiệt tác. Dù ta có biết là Nguyễn đã lấy ý thơ từ họ Thôi nhưng đứng trên vai người khổng lồ, Nguyễn đã làm cho câu thơ của Thôi Hộ thêm một lần bất tử.
Đó là cảnh Kim Trọng trở lại vườn Thúy sau khi gia đình tan nát; Kiều bán mình chuộc cha làm thân gái lữ thứ đầy những ê chề thế gian:
“Trước sân, nào thấy bóng người,
Hoa đào năm ngoái còn cười gió Đông”
Ôi, những bông hoa năm ngoái của Thôi, của Nguyễn nó có cùng nỗi buồn của Tam Nguyên Yên Đổ:
“Mấy chùm trước dậu hoa năm ngoái,
Một tiếng trên không, ngỗng nước nào?”
Nó có cho ta nghẹn ngào như Vương Duy vừa dựng nhà nơi vườn cũ của người xưa đã rưng rưng khi thấy dấu tích thời gian còn lưu mấy cây liễu xơ xác. Người đâu mà để liễu còn? Liễu là chứng tích của một thời xanh tươi, giờ là phế tích. Họ Vương nghĩ về một ngày vị lai. Rồi ai sẽ cất nhà trên nền hôm nay Vương ở, cảnh quan sẽ tiêu sơ thế nào nữa khi Vương đã về thiên cổ :
“Mạnh Thành dựng một ngôi nhà
Dấu xưa còn lại năm ba liễu gầy
Biết sau ai ở chốn này
Ích gì buồn cảnh trước ngày có ta.”
(Khương Hữu Dụng dịch)
Cũng là hoa ấy, người này nhưng cái nhìn của Sầm Tham thật lạ:
Cây sân chẳng biết người đi hết
Xuân tới hoa xưa vẫn nở đều.
(Ngô Tất Tố dịch)
Mối quan hệ yêu đương luyến ái lứa đôi đời nào cũng có.
Những giây phút thiên thu của người xưa không thiếu sâu sắc đằm thắm. Nhưng nó trong sáng viên dung cùng đất trời. Chính Đạo Đức ước chế bản năng mà tình cảm ngày xưa nó gợi cho ta một cảm giác thần thánh. Con người vẫn là chủ nhân trong bức tranh nhưng có Thiên Nhiên hòa đồng, cùng tôn vinh những giây phút thần thánh.
Thử đọc lại những câu thơ nói về tương tư trong “Hữu sở tư” của Lư Đồng. Nỗi nhớ là đặc định, là cung bậc mãnh liệt nhất không thể không có trong quan hệ lứa đôi. Nhưng nó thao thức và trong sáng đến vô cùng :
“Tương tư nhất dạ mai hoa phát
Hốt đáo song tiền nghi thị quân.
([i]Song khuya một đoá mai hoa
Tương tư tỉnh mộng ngỡ là dáng ai..)
Nhạc Trịnh có lời ca từ :
“Em ra đi nơi này vẫn thế
Lá vẫn xanh trên con đường nhỏ
Vườn xưa vẫn có tiếng Me ru
Có tiếng em thơ
Có chút nắng trong, tiếng gà trưa”…
Nỗi nhớ là đặc định nhưng là nỗi nhớ của một tình yêu trong sáng không thô tục (Ảnh: pinterest.com)
Không đâu, Trịnh ạ. Đó vốn là quy luật khách quan của cuộc đời. Cái nhìn ấy có “như nhiên” của một nội tâm an nhiên không ? Người ta vẫn đọc được cái tặc lưỡi của sự bất tịnh trong tâm: “Có cô thì chợ cũng đông”
“…Các cụ xưa công khai nói nỗi buồn. Nhưng cái Chân làm sáng ngời cái Thiện; cái Nhẫn giảm bớt cái bồng bột lo âu.
Nội tâm có được an nhiên hay không? (Ảnh: pinterest.com)
Ôi, làm sao tìm gặp được cái thích thảng của những người sống vui hay buồn đều trong nhân thế; đều cùng đồng hành với càn khôn bất tử…
Thời của người xưa không mất. Dù cho Lý Bạch có uống rượu mời trăng, có múa kiếm:
“Rút đao chém xuống nước nước càng chảy mạnh …
Nâng chén tiêu sầu chẳng được vơi.”
Thì thoáng gặp nhau ở thành Nam ấy hôm nay còn ngưng đọng. Thoáng chốc ấy sống trên cả ngàn năm…
La Vinh
Kiệt tác Đường thi: Khi quá khứ không ngủ yên, tôi lặng lẽ tìm thời gian đã mất…
Giang hồ ‘bẻ kiếm’ đi tìm đạo, thành người tu luyện giữa đời thường
Kiệt tác thế giới: Bản giao hưởng huyền thoại nào Neil Armstrong đã bật khi chạm chân lên tới mặt trăng?
TH (phapluatxahoi.kinhtedothi.vn)